tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa 15, nhiều đại biểu đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách để kiềm chế giá cả, nhất là giá xăng dầu, giảm áp lực lạm phát.
Các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến 2 biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.
Trước mắt, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho DN, giúp DN giữ giá bán hàng hóa (Ảnh minh họa)
Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, đặc biệt là xăng dầu; hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho DN, giúp DN giữ giá bán hàng hóa.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bởi lẽ, trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát, cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên liệu xây dựng.
Từ đó, mới kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, kiểm soát nợ xấu. Có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các khu công nghiệp; hỗ trợ tối đa để người lao động không rút bảo hiểm xã hội 1 lần, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương và TP. HCM.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ ngay tại kỳ họp trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giảm thêm các loại thuế với xăng, dầu. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng.
Giá dầu thế giới đang tăng cao, nên tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so thời điểm giá thấp, còn tạo nguồn cung trong nước ổn định.
Các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh cần hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài. Sợ thất thu mà không giảm thuế có thể thất thu nặng hơn, bởi lạm phát bùng nổ các khoản chi ngân sách sẽ tăng rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp; dự báo được các mặt hàng nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn, để có chính sách ứng phó phù hợp.
Riêng mặt hàng xăng dầu, cần bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu với mức phù hợp để điều hành giá trong nước linh hoạt, góp phần ổn định thị trường, đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu trong nước.
Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng:
"Nhiệm vụ cấp bách là phải chống được lạm phát. Giải pháp chống lạm phát hiện nay, ngoài tập trung về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá thật tốt, vấn đề hết sức quan trọng đó là phải tăng năng lực sản xuất, kinh doanh cho DN, tái cơ cấu và tăng cường sản xuất, kinh doanh trong nước.
Như vậy, sẽ tạo ra được những sản phẩm và nâng cao mức thu nhập của người dân và DN, có sức mạnh để chống lạm phát”.
Th. Hương