Đầu phiên hôm nay (2/6, Giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 3,28 USD/thùng tương ứng 2,85% xuống mức 111,98 USD/thùng; Dầu Brent giảm 3,34 USD/thùng tương ứng 2,87% xuống mức 112,95 USD/thùng.
Giá dầu đã trồi sụt mạnh mẽ sau khi Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận cấm 90% dầu Nga. Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent có thời điểm áp sát ngưỡng 124 USD/thùng, rồi rơi thẳng đứng xuống 115 USD/thùng. Tính đến 17h ngày 1/6 (theo giờ Việt Nam), dầu Brent chuẩn quốc tế được giao dịch quanh mức 118 USD/thùng.
Giá dầu WTI ít biến động hơn và hiện ở mức 115 USD/thùng, không thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent. Đây vốn là điều bất thường trên thị trường dầu.
Thị trường đã quay đầu giảm khỏi mức cao nhất 3 tháng qua, sau khi công bố báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang về điều kiện kinh tế ở Hoa Kỳ, cho thấy cả áp lực lạm phát gia tăng và nhu cầu mạnh mẽ.
Giá xăng dầu hôm nay 2/6: Quay đầu giảm mạnh, rớt gần 3%
Tâm lý trên thị trường cũng chịu ảnh hưởng sau khi báo cáo Beige Book Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phát hành cho thấy ngành bán lẻ và bất động sản bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu tiêu cực, khi người tiêu dùng đối mặt với giá cả hàng hóa leo thang trong khi Fed bắt đầu thắt chặt các hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đối với thị trường trong nước, ngay cả khi đã điều chỉnh giảm, giá dầu vẫn ở mức cao. Theo ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở tại London, giá dầu chịu áp lực bởi nguồn cung bị thắt chặt, việc EU đạt được thỏa thuận về lệnh cấm 90% dầu nhập khẩu từ Nga, và sự hồi sinh của nền kinh tế Trung Quốc.
Hôm 30/5, EU đã đồng ý cấm hầu hết dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đây là một phần của các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine và nhằm chặn nguồn thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Động thái này được ông Josep Borrell - người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU - ca ngợi là "quyết định mang tính bước ngoặt làm tê liệt cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Putin".
Thêm vào đó, Thượng Hải và Bắc Kinh - 2 thành phố lớn của Trung Quốc - đã bắt đầu nới lỏng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh sau khi số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng giảm xuống.
Trước đó, lệnh phong tỏa của Trung Quốc làm gián đoạn các hoạt động từ di chuyển, sản xuất tới vận tải, từ đó đè nặng lên nhu cầu dầu toàn cầu. Vài tháng qua, cùng với những nỗ lực tăng nguồn cung dầu từ các chính phủ trên thế giới, chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc góp phần lớn trong việc hạ nhiệt giá dầu.
Thành Nam