Cảnh báo trò lừa đảo brandname VPBank

Đối tượng lừa đảo nhắn tin với tên định danh VPBank, gửi kèm đường dẫn, yêu cầu người dân đăng nhập, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC) - Cục An toàn thông tin tiếp tục ghi nhận nhiều phản ánh lừa đảo sử dụng tên định danh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) gửi tới người dùng thông qua tin nhắn. Đáng chú ý, các tin nhắn này xuất hiện chủ yếu tại TPHCM.

Theo đó, sáng 27/9, một số người dân khu vực quận 1, TPHCM phản ánh có nhận được tin nhắn từ tên định danh VPBank với nội dung: “Tai khoan cua ban dang duoc dang nhap tren thiet bi khac, neu khong phai ban dang nhap vui long vao https://vpbank.com.vn-um.info de sua doi mat khau hoac thoat khoi thiet bi kia”.

Cảnh báo chiêu trò giả mạo Brandname ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.Cảnh báo chiêu trò giả mạo Brandname ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Nhận biết là trò lừa đảo của kẻ xấu nên người dân đã không làm theo yêu cầu như trong tin nhắn. Tuy nhiên, người dân vẫn rất lo lắng vì đây là một chiêu trò tinh vi nên đã cảnh báo người thân cũng có sử dụng điện thoại để lưu ý, đồng thời gửi phản ánh tới Trung tâm VNCERT/CC.

Trước sự việc trên, Trung tâm VNCERT/CC - Cục An toàn thông tin khuyến nghị, link đăng nhập chính thức của VPBank sử dụng là: https://www.vpbank.com.vn/; khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác với những tin nhắn nghi ngờ lừa đảo.

Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi), phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân nên cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 5/2/2021, Cục An toàn thông tin đã thông tin cụ thể về phương thức tấn công của các đối tượng xấu trong các vụ tấn công lừa đảo nhắm vào các tổ chức tài chính, ngân hàng. Đánh giá cho thấy, các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster).

“Bình mới rượu cũ”

Trước đó, VPBank từng phát đi cảnh báo về thủ đoạn giả danh ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo VPBank, lợi dụng kẽ hở của đơn vị cung cấp dịch vụ tin nhắn viễn thông (SMS), kẻ gian giả mạo thương hiệu VPBank và các ngân hàng khác để gửi đi các tin nhắn có nội dung phát hiện khách hàng sử dụng dịch vụ tại nước ngoài hoặc dịch vụ toàn cầu và yêu cầu click vào đường link để hủy.

Nội dung tin nhắn lừa đảo được gửi đến khách hàng thường như sau: “Tài khoản của Quý khách vừa mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ hàng tháng là 2.800.000 VND sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào vpbank.vn-tp.xyz để hủy”.

VPBank khẳng định, những tin nhắn có nội dung thông báo về những sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng không đăng ký đều là tin nhắn giả mạo, nhằm mục đích lừa khách hàng bấm vào link đính kèm tin nhắn và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Khách có thể nhận biết danh sách các website do ngân hàng sở hữu và vận hành tại địa chỉ: https://www.vpbank.com.vn/en/tin-tuc/tin-vpbank/2021/ds-cac-website-va-fanpage-do-vpbank-van-hanh-va-quan-ly.

VPBank đã làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và các cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi giả mạo này.

VPBank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không click các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Nếu nhận được tin nhắn có nội dung như trên hoặc nội dung lạ, khách hàng không bấm vào đường link đính kèm tin nhắn nếu chưa kiểm tra lại với hai đầu số hotline của VPBank là 1900545415 (dành cho khách hàng tiêu chuẩn) và 1800545415 (dành cho khách hàng ưu tiên).

Khách hàng nhận được tin nhắn giả mạo như trên có thế thông báo lại với Trung tâm Chăm sóc khách hàng của VPBank tại cổng thông tin cskh.vpbank.com.vn hoặc liên hệ hotline để được hỗ trợ kịp thời.

Hồng Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục