Cảnh báo nạn buôn bán thuốc giả điều trị Covid-19

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã bất chấp thủ đoạn, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này, tránh “tiền mất, tật mang”.

Bất chấp thủ đoạn

Ngày 21/8, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã phát hiện, triệt xóa đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả do Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng đồng bọn tổ chức, thu giữ một lượng lớn tang vật với ước tính lên đến nhiều tỷ đồng.

Theo đó, qua thời gian theo dõi, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Thuận và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc tân dược giả; trong đó có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường hiện nay có chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19.

Ngày 20/8, trinh sát phát hiện Thuận chở một thùng carton nghi chứa thuốc tân dược giả nên tiến hành kiểm tra, kết quả phát hiện có 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 hiệu TERPINCODEIN. Thuận khai nhận đây là thuốc tân dược giả do Thuận tự mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán ra thị trường. Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả của Thuận tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8, công an phát hiện khu vực sản xuất thuốc giả là nhà vệ sinh dơ bẩn, thuốc được để ngay dưới nền nhà.

Qua khám xét, công an đã tạm giữ số lượng rất lớn nguyên liệu sản xuất thuốc, hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất; trong đó có 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả các nhãn hiệu Neo-Cordion, Angmentin, 2,5kg thuốc viên màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả, 100 vỉ Neo-codien, 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ, 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu… Hiện, công an đã bắt giữ Thuận và triệu tập làm việc đối với 8 đối tượng khác có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 18/8, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện kho thuốc và trang thiết bị y tế không có nguồn gốc, xuất xứ tại một căn nhà trên đường Tô Hiến Thành (Quận 10) do Đặng Thị Hồng Duyên và Đặng Khánh Dư làm chủ, thu giữ 800 bộ test nhanh Covid-19, 460 hộp thuốc tân dược hiệu Salbutant, 700 hộp Efferalgan và nhiều thuốc tân dược, vitamin, viên xông mũi không có hóa đơn chứng từ.

Công an TPHCM phá đường dây sản xuất thuốc trị Covid-19 giả quy mô lớnCông an TPHCM phá đường dây sản xuất thuốc trị Covid-19 giả quy mô lớn

Phải trừng trị nghiêm khắc

Theo luật sư Đặng Đình Ngọc (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, nhiều thành phần lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng sự lo lắng của người dân để trục lợi cá nhân. Trong số đó là các đường dây làm, buôn bán thuốc phòng chống Covid-19 giả.

“Việc làm này đem lại rất nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng, cản trở quá trình phòng chống dịch bệnh của Nhà nước và người dân. Hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng tâm lý hoang mang trong xã hội để sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, điều trị Covid-19 là hành vi vô cùng nguy hiểm, nó thể hiện sự bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe tính mạng của người khác và thờ ơ trước công tác phòng chống dịch bệnh của toàn xã hội” - luật sư Đặng Đình Ngọc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, theo quy định của pháp luật, người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong mọi trường hợp bất kể số lượng hàng giả hay số tiền thu lợi bất chính. Căn cứ Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh có thể bị phạt tù thấp nhất là 2 năm tù và hình phạt cao nhất là tử hình. Người phạm tội có thể bị tử hình trong trường hợp như làm chết 2 người trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên.

​“Người tiêu dùng nên cảnh giác trước các lời quảng cáo về thuốc có tác dụng phòng, chữa Covid-19, chỉ nên làm theo khuyến cáo của cơ quan y tế hoặc theo yêu cầu của bác sĩ và không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng. Thuốc chữa bệnh, phòng bệnh là hàng hóa rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe nên mọi người cần suy nghĩ thật kỹ trước khi sử dụng” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

 Thái San

Bài liên quan

Cùng chuyên mục