Cổ phiếu VFS của VinFast đóng cửa phiên 23/8 đạt 37,03 USD/cổ phiếu, qua đó xác lập mạch tăng giá kéo dài ngày thứ ba liên tiếp. Có lúc, giá cổ phiếu VFS chạm ngưỡng 45 USD/cổ phiếu thì tổng giá trị vốn hoá của VinFast lên tới trên 103 tỷ USD.
Thị giá cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) ngày 23/8 đã có lúc rớt xuống còn 30,50 USD/cổ phiếu, giảm gần 17% so với mức giá đóng cửa của ngày 22/8.
Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng xe điện VinFast nhanh chóng lấy lại sắc xanh. Lực mua tăng lên nhanh chóng đã đẩy giá cổ phiếu VFS có lúc chạm ngưỡng 45 USD/cổ phiếu - mức cao nhất kể từ khi được niêm yết trên sàn Nasdaq.
Nhưng mức cao này không giữ được lâu, việc giá cổ phiếu tăng tới hơn 22% so với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch hôm trước đã kích hoạt áp lực chốt lời, đẩy giá cổ phiếu VFS giảm xuống. Phe mua và va phe bán giằng co, khiến giá cổ phiếu VFS đi ngang, dao động quanh mức 36 USD/cổ phiếu trong phần lớn thời gian giao dịch còn lại.
Khối lượng giao dịch và diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast từ ngày 18/8 đến ngày 23/8/2023 trên sàn Nasdaq, theo khung 15 phút (Nguồn: TradingView)
Đóng cửa thị trường ngày 23/8, cổ phiếu VFS của VinFast đạt 37,03 USD/cổ phiếu, tăng 22,7% so với mức giá mở cửa nhưng chỉ tăng nhẹ 0,84% so với mức giá đóng cửa của ngày 22/8. Qua đó, xác lập mạch tăng giá kéo dài ngày thứ ba liên tiếp.
Với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, giá trị vốn hóa của hãng xe điện VinFast hiện gần 86 tỷ USD. Con số này đang lớn hơn tới 1,5 lần tổng giá trị vốn hoá của hai sàn chứng khoán Việt Nam là sàn HNX và sàn UPCoM. Thậm chí, tại thời điểm thị giá cổ phiếu VFS chạm ngưỡng 45 USD/cổ phiếu thì tổng giá trị vốn hoá của VinFast lên tới trên 103 tỷ USD.
Mức vốn hóa khủng cũng đưa VinFast vượt qua các startup “đình đám” một thời như Li Auto, NiO, Rivian,… để trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Đồng thời, VinFast cũng vượt mặt hàng loạt tên tuổi lâu đời như Mercedes - Benz, BMW, Volswagen, Ferrari, Honda, Ford,... để lọt top những doanh nghiệp giá trị nhất ngành công nghiệp ô tô.
Đáng chú ý, tổng khối lượng giao dịch trong ngày của cổ phiếu VFS lên tới hơn 8,2 triệu đơn vị. Trong khi số cổ phiếu VFS được tự do giao dịch hiện chỉ khoảng 4,5 triệu cổ phiếu. Điều này cho thấy giới đầu tư đang quay vòng cổ phiếu này rất nhanh.
Tỷ lệ free float của cổ phiếu VinFast hiện ở mức rất nhỏ, chưa tới 1%. Thông thường, các cổ phiếu có tỷ lệ free float nhỏ sẽ có chênh lệch giá mua - bán rộng, dễ xảy ra các biến động. Ngược lại, các cổ phiếu có tỷ lệ free float lớn thường có biến động giá ít hơn do các nhà đầu tư tự do chuyển nhượng lớn, tính thanh khoản cao.
Với diễn biến như hiện tại, có thể cần thêm thời gian để xác định mức giá cân bằng hơn của cổ phiếu VinFast cũng như vốn hóa của doanh nghiệp này. Biến động sẽ trở nên chính xác hơn khi tỷ lệ free float cao hơn.
Trước đó, vào ngày 22/8 trong buổi phỏng vấn với hãng tin CNN, khi đề cập đến việc tỷ lệ free float thấp khiến giá thị giá cổ phiếu VFS biến động, CEO VinFast, bà Lê Thị Thu Thuỷ cho biết:
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường. Số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới”.
Minh An (T/h)