Cơ quan công an khuyến cáo người dân cẩn thận hơn và đề cao cảnh giác với các thủ đoạn tiền giả, đồng thời nên có thói quen kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận tiền từ khách hàng để chủ động phát hiện tiền giả hoặc tiền nghi giả.
Loại tiền giả mà các đối tượng mang đi tiêu thụ thường là tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng được mua thông qua mạng internet hoặc do đối tượng tự in ấn làm ra.
Do tiền giả được in ấn bằng nhiều cách khác nhau nên có những đặc điểm khác với tiền thật mà bằng mắt thường có thể nhận biết được như: Các tờ tiền có cùng số sê ri, màu sắc nhạt hơn và mỏng hơn so với tiền thật; hoa văn trơn tuột và không có độ ma sát như tiền thật; không có hình bóng chìm, không có nét in nổi…
Cách nhận biết tiền giả.
Tuy nhiên, để tiêu thụ trót lọt các tờ tiền giả, các đối tượng đã lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, cũng như có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt người tiêu dùng như: đi tiêu thụ tiền giả vào lúc trời tối, ở các khu dân cư đông đúc, chợ tự phát…; lợi dụng người bán là người già, trẻ em thị lực kém, lúc bận rộn để mua hàng; mua các mặt hàng giá trị thấp như: nước giải khát, thuốc lá, thẻ cào điện thoại, vé số, đổ xăng… để được thối lại tiền thật; để tiền giả, tiền thật xen lẫn khi mua hàng nhằm tránh bị phát hiện; thậm chí có một số đối tượng còn đưa tiền giả để lừa người khác chuyển tiền vào ví điện tử Momo của mình…
Cơ quan công an khuyến cáo người dân cẩn thận hơn và đề cao cảnh giác với các thủ đoạn tiền giả nêu trên, đồng thời nên có thói quen kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận tiền từ khách hàng để chủ động phát hiện tiền giả hoặc tiền nghi giả.
Khi phát hiện đối tượng nghi vấn có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, người dân kịp thời quay phim, chụp ảnh người và phương tiện khả nghi để báo ngay cho cơ quan công an gần nhất điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việt Anh