Bộ Công Thương: Tồn kho xăng dầu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa

Lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối nhưng tồn kho xăng dầu của các DN vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Đồng thời, nguồn cung xăng dầu của các DN vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Lượng hàng tồn trong kho đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa.Lượng hàng tồn trong kho đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa.

Theo báo cáo của các DN đầu mối, lượng tồn kho của một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.

Cụ thể, Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...

Các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.

Tình trạng thiếu hụt xăng dầu đã cơ bản được giải quyết

Tại TPHCM, theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến 17h ngày 10/10, trên địa bàn thành phố có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%). Đồng thời, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung và đã được Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn.

TPHCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Tại tỉnh Bình Phước, đến ngày 10/10, địa bàn tỉnh có 27/415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (hầu hết ở địa bàn vùng sâu, vùng xa) dừng hoạt động (chiếm 6,5%), 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, 2 cửa hàng hết dầu còn xăng (tương ứng chiếm 5% và 0,48%).

Tính đến 12h trưa ngày 10/10, Công ty TNHH Huy Hồng, Công ty TNHH Xăng dầu Phú Lợi và Công ty TNHH MTV Phú Sang đã cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống trên địa bàn tỉnh.

Tại An Giang, Sở Công Thương đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Sở Công Thương chỉ chấp thuận cho 2/559 cửa hàng xăng dầu tạm dừng kinh doanh (chiếm 0,35%) do đường giao thông đang sửa chữa, 22 cửa hàng còn lại vẫn đang hoạt động bình thường.

Trên địa bàn tỉnh có 30/559 vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%). Nguyên nhân do giao thông đi lại khó khăn nên các thương nhân kinh doanh xăng dầu cung cấp hàng chậm hoặc do chiết khấu thấp nên các đại lý ngừng lấy hàng. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu khẩn trương cung cấp hàng cho các đại lý bán lẻ xăng dầu.

Tại Hậu Giang, tính đến 14h ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh có 21/211 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, dầu (chiếm 9%); 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, còn dầu (chiếm 3%) và có một số thương nhân đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống.

Tại Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện có 5/128 cửa hàng xăng dầu đóng cửa (chiếm 3,9%). Nguyên nhân đóng cửa là không mua được đủ hàng (đặc biệt là mặt hàng RON 95) từ các đầu mối cung cấp hàng, chiết khấu thấp.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng nhận được 8 đơn đề nghị ngừng bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Sở Công Thương chưa có văn bản chấp thuận, các cửa hàng vẫn đang hoạt động cầm chừng.

Đồng thời, một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Công ty Cổ phần Kinh doanh tổng hợp, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Dương Đông - Miền Trung, Công ty xăng dầu Quân đội khu vực 3 đang hoạt động với việc thiếu cục bộ nguồn xăng hoặc dầu.

Tại Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có 9/475 cửa hàng tạm dừng hoạt động do hết xăng, dầu (chiếm 1%); 15 cửa hàng vẫn hoạt động nhưng hết xăng hoặc dầu.

Tại Bình Dương, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh hoạt động bình thường, 16/445 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa (chiếm 3%) là do Giấy xác nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu do Sở Công Thương cấp đã hết hạn và các cửa hàng xin nghỉ để cải tạo, sửa chữa để đảm bảo theo quy định và quy chuẩn về lĩnh vực xăng dầu hiện nay, có sự thống nhất bằng văn bản của Sở Công Thương.

Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục