Kết nối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh phía Nam chỉ là biện pháp tình thế, ngành nông nghiệp không có giải pháp tổng thể sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ dưới tác động của dịch bệnh.
Nông sản giá xuống thấp, người dân lỗ ròng
Tình hình tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn đối với các tỉnh có dịch bệnh và đang được kiểm soát. Hiện chỉ có các hợp tác xã, tổ hợp tác có điều kiện tiêu thụ sản phẩm còn nông dân rất khó bán được hàng, chi phí sản xuất tăng gấp 3-4 lần.
Mối nguy do bệnh dịch có thể đến từ nhiều phía. Nguồn lây đến từ chuỗi cung ứng cũng rất đáng lo ngại. Có tỷ lệ khá nhiều tài xế, người vận chuyển hàng hóa được xét nghiệm âm tính trong 3 ngày, song lại vẫn bị bệnh và gây ổ dịch trong cộng đồng. Do đó, lưu thông hàng nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn cung các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã tác động đến hoạt động sản xuất, thậm chí có lúc rất khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Cà Mau đã tổ chức cho gần 40 doanh nghiệp chế biến nông sản với gần 10.000 công nhân. Tổng số công nhân của Cà Mau là 40.000 người, hoạt động trong các khu công nghiệp. Từ đó, có thể thấy khâu sản xuất đang bị giảm sút”.
Tỉnh Cà Mau cũng nhận được sự hỗ trợ của các tỉnh, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tiêu thụ được lượng nông sản nhất định. Cụ thể là hơn 4.000 tấn nông sản các loại. Tuy vậy, số nông sản đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với lượng do nông dân sản xuất ra, ông Lê Văn Sử cho biết thêm.
Các khó khăn trong lưu thông, chế biến đều tác động đến đầu ra của sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm. Ví dụ như tôm Cà Mau giảm từ 8.000-23.000 đồng/kg. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở.
Hải sản khai thác đang chịu ảnh hưởng từ đất liền khi mực tươi, mực khô các loại giảm 30% giá, cá giảm từ 20-29%.
Thay đổi lại sản xuất và chuỗi cung để ứng phó với những biến động
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, ngành nông nghiệp không có giải pháp tổng thể sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào, từ đó dẫn đến ngưng sản xuất hoặc sản xuất thiếu chất lượng.
Đặt vấn đề phát triển ngành nông nghiệp trong dài hạn ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: “Chúng ta có những giải pháp thiết thực, nhất là thay đổi từ nhận thức, tư duy để phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, đảm bảo giá trị hàng hoá, quy mô hàng hoá, đảm bảo chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại”.
Lúa gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể. Các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.
Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc xã hội hoá theo hình thức PPP. Mục tiêu lâu dài trong toàn ngành sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng, hướng đến sự cạnh tranh, hội nhập và sự phát triển bền vững, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.
Chuỗi giá trị ngành hàng trong nông nghiệp cũng là phương hướng phát triển sản xuất, cạnh tranh, đảm bảo sự bền vững có thể ứng phó với những biến động, dịch bệnh trong tương lai, không để đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để giúp bà con nông dân tìm giải pháp căn cơ tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp phải thoát khỏi tư duy mùa vụ. Trước bất cứ sức ép nào trong ngắn hạn, nông dân cũng cần chung vai với ngành nông nghiệp để đưa ra những tầm nhìn dài hạn từ 5 - 10 năm.
“Ngành nông nghiệp và nhiều ngành khác đã đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tiểu vùng. Tuy nhiên, hợp tác như vậy, ranh giới địa lý vẫn hằn lên tư duy phát triển, bởi thương lái Cần Thơ đi thu mua lúa ở Đồng Tháp sẽ băn khoăn là GDP sẽ được tính cho địa phương nào. Hiện chúng ta vẫn đang tư duy theo hướng chia cắt ra các tỉnh. Để thích ứng với một loạt vấn đề như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp phải thay đổi, đề ra những chiến lược phát triển chung cho toàn bộ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Mở rộng không gian phát triển là tiết kiệm chi phí trong lưu thông, sản xuất. Dịch bệnh khiến người dân khó khăn, nhưng cũng là thời điểm để người dân ý thức về việc không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Người dân cần thay đổi tư duy triệt để, giúp họ chuyển biến từ tự phát thành tự giác gia nhập hợp tác xã, với tư tưởng cùng ăn, cùng chia lợi nhuận, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm.
Phương Hoài