Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dược liệu, từ đó chủ động thực hiện các quy định về hoạt động xuất khẩu...
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu và được đánh giá là nước có nguồn dược liệu đa dạng, dược liệu tự nhiên quý hiếm khá phong phú. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế và thậm chí xuất khẩu.
Hiện nay, nguồn dược liệu trong nước để phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng và cổ truyền, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Đến nay, dược liệu trong nước đã được quan tâm để nuôi trồng nhưng vẫn phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc.Khó khăn trong xuất khẩu tinh dầu quế được tháo gỡ
Trong công tác quản lý, việc kiểm định chất lượng dược liệu được làm hàng năm. Theo số liệu thống kê, chất lượng dược liệu sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh luôn đảm bảo. Với các loại thuốc được đưa vào bệnh viện sử dụng sẽ phải thông qua đấu thầu, có nguồn gốc, chất lượng mới được sử dụng chữa bệnh. Chỉ có khoảng dưới 1% dược liệu trên thị trường không đảm bảo chất lượng.
Về xuất khẩu dược liệu, Việt Nam đang có những thế mạnh ở một số mặt hàng trọng tâm như quế, hồi, sả, chanh, nghệ, gấc…Riêng nghệ, Việt Nam đang ký hợp đồng xuất khẩu với Nhật Bản, Mỹ và đang không đủ sản lượng để xuất khẩu.
Đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.
Thời gian gần đây, báo chí phản ánh hoạt động xuất khẩu một số dược liệu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm, còn có nguyên nhân là vướng mắc trong thực hiện một số quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 và Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021.
Để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu dược liệu, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 35/CĐ-TTg ngày 10/4/2024 yêu cầu Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ về xuất nhập khẩu dược liệu, bảo đảm tháo gỡ nhanh các vướng mắc tạo điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định. Việc sửa đổi các quy định cho hoạt động này hoàn thành trước ngày 25/4/2024.
Để tháo gỡ, Bộ Y tế đã chỉ trì hội nghị theo đúng chủ trương của Công điện Thủ tướng và thống nhất hướng dẫn doanh nghiệp khai báo rõ mục đích xuất khẩu đối với mặt hàng tinh dầu quế khi thực hiện xuất khẩu. Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về dược. Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021, Bộ Y tế quy định: “Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược”.
Trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm và các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ chính sách quản lý đối với mặt hàng tinh dầu xuất khẩu có tính lưỡng dụng (có thể sử dụng làm nguyên liệu làm thuốc hoặc mục đích khác).
Theo Tổng cục Hải quan, mặt hàng “tinh dầu quế” là các mặt hàng thuộc danh mục dược liệu ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế (chưa được bãi bỏ tại Thông tư số 03/2021/TT-BYT ngày 4/3/2021 của Bộ Y tế). Tại Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BYT quy định: trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược (nguyên tắc này không được quy định tại Thông tư 48/2018/TT-BYT).
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì các mặt hàng thuộc danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT thì quản lý theo pháp luật dược, các mặt hàng thuộc danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BYT thì quản lý theo mục đích (dược hoặc các lĩnh vực khác liên quan, cụ thể là mặt hàng thuộc Thông tư số 03/2021/TT-BYT nếu khai báo mục đích làm dược liệu thì vẫn quản lý theo pháp luật về dược).
Thiên Anh