Doanh nghiệp Việt vẽ lại bản đồ bán lẻ: Làm chủ hệ thống phân phối và chiếm lĩnh thị trường

Xuyên suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam, hiện thực hóa mong muốn để “doanh nghiệp Việt làm chủ được hệ thống phân phối và chiếm lĩnh thị trường hàng Việt”.

Nhìn lại thời điểm cách đây hơn chục năm, làn sóng đầu tư của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường nội địa Việt Nam diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp ngoại khi đó với rất nhiều thế mạnh đã khiến cho doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ thua thiệt hơn các doanh nghiệp ở chỗ vốn ít, doanh nghiệp Việt Nam thời điểm đó còn yếu về năng lực cạnh tranh, thiếu sự liên kết liên doanh để tạo sức mạnh chung. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng chưa được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Thời kỳ này, thậm chí có một lãnh đạo của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã phải đau xót mà kêu gọi “chúng ta khi đang còn là những cô gái đẹp, phải bán đi (có nghĩa là bán doanh nghiệp cho nước ngoài) nếu không về già sẽ không ai chú ý đến”. Thậm chí một số doanh nghiệp như Phú Thái, Nguyễn Kim… dù đã được nhà nước hỗ trợ một phần trong lúc khó khăn nhưng vẫn phải bán đi cho doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều chuyên gia thương mại, các nhà quản lý đều có nhận định chung rằng, thời kì đó nhiều doanh nghiệp phải bán đi, hoặc phá sản, hoặc làm ăn thua lỗ, nên chúng ta đã mất đến 50% thị phần bán lẻ vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, sau giai đoạn áp đảo thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều ông lớn bán lẻ nước ngoài đã và đang dần thu hẹp kinh doanh hoặc rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Những cái tên rời đi có thể kể đến Parkson - tập đoàn bán lẻ cao cấp tại Malaysia, Auchan - ông lớn bán lẻ đến từ Pháp, Emart của Hàn Quốc, còn Lotte vào tháng 7 tới cũng sẽ chính thức đóng cửa Trung tâm thương mại Lotte Mart Đống Đa lớn nhất tại Hà Nội.

Auchan rời đi để lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Emart chuyển nhượng lại chuỗi bán lẻ tại Việt Nam cho Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco). Lãnh đạo Thaco kỳ vọng, việc tích hợp siêu thị Emart với các mặt hàng khác, cùng với showroom ô tô, kết hợp các trung tâm hội nghị, ăn uống, vui chơi giải trí không chỉ tạo thành một hệ sinh thái khép kín đáp ứng toàn diện nhu cầu khách hàng, nó còn giúp Thaco đưa các sản phẩm nông nghiệp của HAGL Agrico đến với thị trường nội địa.

Và gần đây nhất, sau khi có sự liên kết hợp tác giữa 2 tập đoàn Masan và Vingroup thì bộ mặt của ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Đây là một phép cộng đẹp cho sự thay đổi nhận thức về hợp tác giữa doanh nghiệp Việt với nhau. Sự hợp tác này còn làm giảm bớt các chi phí sản xuất, bán hàng, đem lại giá bán có lợi nhất cho người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Một hệ thống bán lẻ nội địa khác là Thế giới Di động đã tích cực xây dựng chuỗi Bách hóa xanh trong vài năm gần đây để vươn lên Top 3 các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam với 1700 điểm bán tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và tiến tới phủ rộng trên toàn quốc.

“Đã đến lúc doanh nghiệp tự tin vẽ lại bản đồ bán lẻ Việt Nam”Đã đến lúc doanh nghiệp tự tin vẽ lại bản đồ bán lẻ Việt Nam

Qua tình hình thực tế ở trên cho thấy, trong giai đoạn 2015 – 2016 đến nay, ngành bán lẻ nội địa đã mạnh hơn và có thế chủ động hơn trên thị trường. Các doanh nghiệp nội đã tự giác liên kết với nhau và họ đã tìm thấy những điểm mạnh của nhau đế phát triển. Đặc biệt, họ đã tăng cường được sức cạnh tranh, sức mạnh nhiều hơn trước để có những cơ hội thâu tóm các công ty nước ngoài trong ngành phân phối bán lẻ.

Các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay thậm chí còn phát triển được việc bán hàng đa kênh, theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ số. Họ cũng tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ, giảm trung gian, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá trên thị trường - một trong những điểm yếu nhất của hệ thóng phân phối Việt Nam mà nhiều năm chưa được khắc phục. Tuy nhiên cho tới nay, bài toán này đã được các doanh nghiệp Việt đã bước đầu giải quyết.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đang vẽ lại bản đồ bán lẻ và việc các doanh nghiệp chủ động xây dựng chuỗi cung ứng "từ trang trại đến bàn ăn" là hướng đi đúng đắn, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phân tích cụ thể, ông cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đầy triển vọng. Trong hai mảng lớn của thị trường bán lẻ, gồm lương thực-thực phẩm  và các sản phẩm thời trang, tiêu dùng, hóa mỹ phẩm thì mảng thứ hai không phải là thế mạnh của doanh nghiệp Việt, đồng thời doanh nghiệp Việt còn lâu mới đạt được trình độ như của thế giới. 

Với mảng thứ hai này, doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào rất sớm nhưng rồi cũng phải rút khỏi Việt Nam, như Parkson vì đối tượng tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu trở lên ở Việt Nam chưa nhiều, chưa kể sự phát triển của thương mại điện tử giúp người dùng có thể mua trực tuyến sản phẩm mình cần.

Với những thực tế trên có thể thấy, hiện các DN bán lẻ nội đã tự giác liên kết với nhau và họ đã tìm thấy những điểm mạnh của nhau đế phát triển. Đặc biệt là họ đã có nhiều sức mạnh hơn trước để có những cơ hội thâu tóm các công ty nước ngoài trong ngành phân phối bán lẻ.

 Thiên Trường

Bài liên quan

Cùng chuyên mục