FLC vừa nhận được 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền lên đến hơn 457 tỷ đồng.
Theo đó, các Quyết định số 1396, 1397 và 1398 về việc cưỡng chế thuế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC lần lượt mở tại 3 ngân hàng Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - Chi nhánh Quận 1; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thanh Xuân.
Từ tháng 8 đến nay, FLC đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế lên tới 1.331 tỷ đồng.
Lý do cưỡng chế là công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Số tiền bị cưỡng chế lần này là hơn 457 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu doanh nghiệp này gặp rắc rối về thuế. Trước đó, ngày 5/9, FLC cũng nhận được các quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng. Tổng số tiền bị cưỡng chế khi đó là hơn 448 tỷ đồng.
Ngoài ra, vào đầu tháng 8, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cũng gửi tới FLC 3 thông báo về quyết định cưỡng chế thuế, với số tiền 223,6 tỷ đồng. Thời điểm này, FLC nợ địa phương khoảng 450 tỷ đồng tiền thuê đất, trong đó hơn 220 tỷ nợ quá hạn của dự án trung tâm hội nghị, khách sạn, nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình.
Cũng theo đó, ngày 13/9, Tập đoàn này cũng nhận được quyết định của Cục thuế Hà Nội về việc điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, số tiền cưỡng chế là gần 325,8 tỷ đồng.
Như vậy, từ tháng 8 đến nay, FLC đã nhận các quyết định cưỡng chế thuế lên tới 1.331 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế.
Đươc biết, ngày 4/10 FLC đã bổ nhiệm 2 gương mặt quen thuộc làm Phó Tổng Giám đốc là ông Lê Doãn Linh và ông Nguyễn Chí Công. Việc bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh 3 Phó Tổng Giám đốc rời đi sau chưa đầy 80 ngày. Gần nhất, bà Võ Thị Thùy Dương rời FLC từ ngày 1/10 sau 5 năm gắn bó.
Duy Khánh