Gói phục hồi kinh tế dành lo nhà ở cho người lao động

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gói phục hồi kinh tế xã hội có đề cập đến gói an sinh với trọng tâm là lo xây dựng nhà ở cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong gói phục hồi kinh tế xã hội, phần an sinh xã hội sẽ tập trung giải quyết vấn đề căn cơ cho người lao động như nhà ở, kỹ năng nghề, thu nhập và chất lượng cuộc sống.Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong gói phục hồi kinh tế xã hội, phần an sinh xã hội sẽ tập trung giải quyết vấn đề căn cơ cho người lao động như nhà ở, kỹ năng nghề, thu nhập và chất lượng cuộc sống

Theo ông Dung, ngân sách trong gói phục hồi kinh tế có dành ra hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng bằng tiền mặt cho người lao động với hai điều kiện, nếu đối tượng đang ở tại chỗ, sẽ được hỗ trợ 3 tháng; còn đối tượng quay trở lại thị trường lao động cũ trước dịch, họ được hỗ trợ 3 tháng, nhưng số tiền cao gấp đôi.

Bên cạnh đó, ngân hàng chính sách được sử dụng tiền để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất thấp xây dựng nhà ở, ký túc xá cho công nhân thuê mua. 

Ngoài ra, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho rằng, người lao động mua nhà ở cần được vay tiền với mức lãi suất thấp, ngân sách Nhà nước sẽ đứng ra đảm bảo cho vay. Để tạo dựng sự ổn định, bền vững cần hỗ trợ một phần trả lương cho người lao động đến hết 31/3, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động….

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là những chính sách an sinh tối thiểu để giúp thị trường lao động phục hồi hoàn toàn.

Về thực trạng lao động và thị trường lao động Việt Nam thời gian qua, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, dưới tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề lao động, việc làm bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo ước tính của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tính từ tháng 4 đến tháng 10/2021, Việt Nam có khoảng 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, có 1,3 triệu lao động dịch chuyển về quê do tác động tiêu cực của đại dịch. Vấn đề thế giới lo là đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt gẫy chuỗi lao động, Việt Nam cũng gặp phải. Tuy nhiên, ngay từ rất sớm, lãnh đạo Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH luôn luôn chủ động trong vấn đề này ra", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH thông tin: "Ước tính của chúng tôi ước tính thị trường lao động của chúng tôi cuối quý I và đầu quý II mới phục hồi được. Nhưng đến nay chúng ta đã hồi phục được rất nhanh chóng, 95% lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hồi phục sản xuất". 

"Những vấn đề cơ bản như tiền lương, bảo hiểm, làm thêm cũng được đảm bảo. Đến giờ này tôi cho rằng chúng ta đã vững vàng, vượt qua và phục hồi nhanh chóng", Bộ trưởng nói.

Về lo ngại sự di biến động lao động sau Tết, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, trưởng ngành LĐ-TB&XH nêu: "Thông thường hàng năm, trước Tết chúng ta thiếu 10% lực lượng lao động, sau Tết thiếu 20% lao động. Hiện nay, bối cảnh này, con số trên có thể thấp hơn, bởi nhiều người bị ảnh hưởng của đại dịch ở phía Nam khi về quê đợt dịch vừa rồi, Tết thông thường không quay trở về nữa nên việc thiếu hụt lao động thấp đi".

Theo ông Dung, các khu công nghiệp, doanh nghiệp đều có phương án giữ chân người lao động như nâng lương, duy trì thưởng… Các địa phương cũng thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động. Điều này giúp thị trường lao động ổn định, khởi sắc hơn.

"Theo thông tin của chúng tôi, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tập đoàn, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp khác cũng chỉ thiếu hụt lao động mức trung bình từ 10% đến 15%. So với những năm trước đây, việc thiếu hụt này không phải là cao", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tuy nhiên, không phải không có những lo ngại. Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc dịch chuyển lao động từ các doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác không đến nỗi quá nguy cấp. Vấn đề đáng lo nhất chính là việc thiếu hụt lao động kỹ năng, chất lượng cao.

Chính vì vậy, việc doanh nghiệp bắt tay với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, trung tâm đào tạo là giải pháp tốt để giải quyết vấn đề này trong dài hạn. Bởi muốn có thị trường lao động cạnh tranh, trở thành lao động toàn cầu, phải được đào tạo bài bản về kỹ năng, chất lượng.

 An Linh

Cùng chuyên mục