Hiện nay, Hà Nội đang mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho các sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại uy tín, quy mô lớn.
Tính đến tháng 3/2023, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP (chương trình "mỗi xã một sản phẩm"). Trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ NN&PTNT xem xét, phân hạng; còn lại 1.098 sản phẩm OCOP 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hàng năm, Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn Thành phố. Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn Thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương trên cả nước.
Hà Nội tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với trên 80 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Hà Nội và được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tình trạng nông sản sản xuất chưa theo kịp tín hiệu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và cơ chế chưa hấp dẫn thì rất khó thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kinh doanh nông sản. Yêu cầu cấp bách để tăng tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng cho doanh nghiệp và hợp tác xã đó là sự chuyển biến mạnh về liên kết vùng.
Để làm được điều này, các chuyên gia nhận định, rất cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng. Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.
Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả mong đợi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; Quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của chương trình OCOP.
Bên cạnh đó Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách Trung ương và địa phương; ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP phù hợp vơi thực tiễn từng địa phương, trong đó có TP. Hà Nội…
Việt Anh