Mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh đã và đang góp phần nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hải quan; đồng thời được ví von như “quả đấm thép” trên mặt trận chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin & Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) - xung quanh tiến trình chuyển đổi số của ngành Hải quan.
Thưa ông, xin ông cho biết tình hình thực tế công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan? Kế hoạch chuyển đổi số của ngành hải quan đã có những bước tiến nào trong thời gian gần đây?
Ông Lê Đức Thành: Trong hơn 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành hải quan đã đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, trong đó, ứng dụng CNTT được coi là động lực và chìa khóa của cải cách hiện đại hóa. Từ năm 2001 đến nay, công tác triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý hải quan của Tổng cục Hải quan đã có những bước tiến vượt bậc, phục vụ đắc lực cho tiến trình cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan.
Ông Lê Đức Thành, Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê Hải quan - Tổng cục Hải quan.
Đến nay, Tổng cục Hải quan cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải quan điện tử với 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thống suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.
Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2030 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh”.
Trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thành Hải quan số.
Lực lượng Hải quan triển khai các biện pháp nghiệp vụ.
Hiện nay, nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Hải quan đang tập trung triển khai 3 nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan; hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN đảm bảo đồng bộ với chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan và doanh nghiệp theo hướng số hóa và xử lý tập trung thủ tục hành chính của các bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai mở rộng số lượng các thủ tục hành chính của các bộ, ngành; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các đơn vị chức năng.
Thứ ba, triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về Hải quan.
Ông đánh giá như thế nào về lợi ích mà chuyển đổi số đã và sẽ đem lại cho ngành hải quan cũng như người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Đức Thành: Đối với ngành hải quan, chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao hiệu quả lao động của cán bộ, công chức; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Đặc biệt, chuyển đổi số giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin và nguồn dữ liệu lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)…
Các hoạt động nghiệp vụ hải quan được quản lý tự động trên môi trường số, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; giúp giảm chi phí cho cả cơ quan hải quan và các đối tác thương mại thông quan nhanh hàng hóa; khả năng kiểm soát tốt hơn; giảm tình trạng tắc nghẽn tại cảng, sân bay...
Hải quan số mang lại lợi ích cho ngành hải quan cũng như doanh nghiệp, người dân.
Đối với doanh nghiệp, các lợi ích được thụ hưởng từ chuyển đổi số như: thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đối với các bộ, ngành và các bên liên quan, việc chuyển đổi số của ngành hải quan góp phần nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam.
Xin ông nói rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của Hải quan Số, Hải quan thông minh đối với công tác quản lý xuất nhập khẩu, chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng?
Ông Lê Đức Thành: Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 nhằm số hóa hoạt động hải quan, triển khai hải quan xanh. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý xuất nhập khẩu của ngành hải quan nói chung và chống buôn lậu nói riêng. Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại của ngành hải quan phụ thuộc rất lớn vào nguồn dữ liệu trong việc rà soát, phân tích rủi ro, xác định trọng điểm đối với các ngành hàng, tuyến đường, đối tượng và một số tiêu chí khác.
Lực lượng hải quan soi chiếu hàng hóa trước khi thông quan.
Hiện nay, ngành hải quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định kết nối và chia sẻ thông tin theo Cơ chế một cửa quốc gia và Cổng thông tin một cửa quốc gia. Các thủ tục hành chính về kiểm tra Nhà nước chuyên ngành về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; dữ liệu, chứng từ điện tử được tiếp nhận và chia sẻ cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa và xử lý dữ liệu.
Đến năm 2030, 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. Do đó, việc tra cứu, rà soát thông tin của lực lượng Kiểm soát chống buôn lậu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện được thực hiện dễ dàng, thuận tiện hơn.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đối số, kinh tế số có ví von rằng Hải quan số sẽ trở thành “quả đấm thép” trên mặt trận chống lậu. Ông đánh giá ra sao về nhận định này?
Ông Lê Đức Thành: Tôi cho rằng ví von này là hoàn toàn có cơ sở bởi mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh khi triển khai hoàn chỉnh sẽ nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hải quan.
Sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, cùng sự đầu tư, triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan đã giúp cho việc giám sát trực tiếp hình ảnh, thông tin của trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan được thực hiện hiệu quả; từ đó, hỗ trợ đắc lực cho việc phát hiện và xử lý các hành vi, phương thức thủ đoạn buôn lậu.
Ngành hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ.
Tổng cục Hải quan đã và đang triển khai, vận hành và quản lý hệ thống seal định vị điện tử. Hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được thực hiện gắn seal định vị điện tử, tạo thuận lợi lớn cho công tác kiểm soát, giám sát từ xa; cảnh báo, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình vận chuyển hàng hóa đến địa điểm đích theo từng mục đích vận chuyển.
Tổng cục Hải quan đang xây dựng và triển khai kết nối hình ảnh soi chiếu container từ các máy soi đặt tại các Chi cục hải quan trọng điểm trên cả nước, kết nối hình ảnh 800 camera gắn người dùng cho công chức hải quan khi thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa. Tất cả dữ liệu về hình ảnh sẽ được kết nối, lưu trữ về Trung tâm chỉ huy, Phòng Giám sát Hải quan trực tuyến, Cục Điều tra chống buôn lậu để phục vụ nghiệp vụ giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm.
Công tác kiểm tra, giám sát hải quan được hệ thống camera và các thiết bị hỗ trợ đắc lực.
Các yếu tố kể trên cho thấy, hiện tại và trong tương lai gần, mọi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa tại tất cả các loại hình đều được quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi lực lượng Kiểm soát Hải quan với Cục Điều tra chống buôn lậu là đơn vị chủ trì. Những vụ việc, dấu hiệu vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ được cảnh báo, chia sẻ trong toàn ngành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan.
Thời gian tới, ngành hải quan sẽ có những giải pháp cụ thể nào trong thực hiện Hải quan số, thưa ông?
Ông Lê Đức Thành: Nhìn vào những mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số của ngành hải quan có thể thấy khối lượng công việc phải làm trong thời gian tới là rất lớn, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý, chất lượng hạ tầng số đến phát triển các nền tảng về công nghệ, cơ sở dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin…
Ngành hải quan sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch và triển khai thành công các nhiệm vụ trọng tâm, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, ngành hải quan tập trung xây dựng mô hình Hải quan thông minh, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, căn cứ mô hình Hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực để thực hiện tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan, trong đó rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ hiện nay, xây dựng các quy trình để đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Giải pháp thứ ba, trên cơ sở kết quả tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ, trong giai đoạn 2021-2025, Tổng cục Hải quan thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa quy trình nghiệp vụ, triển khai hệ thống CNTT mới; chủ động nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ then chốt của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư trong quản lý nhà nước về hải quan.
Thứ tư, trên cơ sở tái thiết quy trình nghiệp vụ và ứng dụng CNTT, Tổng cục Hải quan thực hiện sắp xếp, huy động nguồn lực trong toàn ngành để tổ chức, triển khai Kế hoạch chuyển đổi số; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin Hải quan phục vụ đắc lực trong công tác triển khai chuyển đổi số.
Giải pháp thứ năm là giải pháp về tài chính. Do công tác đầu tư dự án công nghệ thông tin sẽ mất nhiều thời gian thực hiện, trong khi hệ thống CNTT của ngành hải quan đang ngày càng không đáp ứng được yêu cầu quản lý cũng như xu hướng của thời đại, để sớm có hệ thống CNTT mới (hải quan số) thay thế cho hệ thống CNTT hiện thời, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính phê duyệt giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin thay vì thực hiện phương án đầu tư.
Thứ sáu, để đảm bảo triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, hoàn thiện môi trường pháp lý và quy trình, thủ tục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Hải quan, trong đó ban hành các văn bản quy định chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, triển khai ứng dụng CNTT về quản lý nghiệp vụ hải quan, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại...
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Duy Khánh - Hồng Anh