Đây là ứng dụng được thiết kế để người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế, cập nhật các phản ứng sau tiêm cũng như chứng nhận tiêm chủng bản điện tử.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc. Để đăng ký tiêm vắc xin Covid-19, người dân có thể tự thực hiện bằng cách tải về ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên kho ứng dụng của 2 hệ điều hành iOS và Android.
Sổ sức khỏe điện tử chỉ là một phần của nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đang được triển khai trên toàn quốc. Nền tảng này gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC).
Kể từ khi đi vào hoạt động từ đầu tháng 7 đến nay, Sổ sức khỏe điện tử liên tục xuất hiện ở vị trí top 1 về ứng dụng được tải về nhiều nhất trong lĩnh vực y tế trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS. Điều này cho thấy tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của người dân đối với ứng dụng.
Ảnh minh họa
Mặc dù ghi nhận số lượng tải về lớn, nhiều người dùng phản ánh ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử còn nhiều bất cập. Những lỗi phổ biến nhất là ứng dụng hoạt động chập chờn, không đăng ký được tài khoản, không quét được mã QR trên bảo hiểm y tế, thiếu thông tin bệnh viện quận…
Trong phần đánh giá và bình luận về ứng dụng, có không ít phàn nàn của người dùng về việc: "Đăng ký xong được gửi mã xác nhận, nhưng nhập vào thì bị báo lỗi", "Đăng ký chục lần vẫn đều báo lỗi", "Tôi đã tải đi tải lại nhiều lần, nhưng không thể đăng ký được". Nhiều người cho biết họ gặp khó khăn do mã OTP gửi về chậm, hoặc gửi về nhưng khi nhập vào ứng dụng thì bị báo mã sai.
Lý giải về vấn đề này, ông Ngô Vĩnh Quý - Phó Tổng giám đốc Viettel Solution, đơn vị phát triển Sổ sức khỏe điện tử cho biết: “Ở giai đoạn đầu khi hệ thống vận hành, các thông tin về ứng dụng vẫn chưa được truyền thông kịp thời. Nhiều người dân chưa có thông tin về việc làm sao có thể sử dụng ứng dụng”.
Việc giúp hàng triệu người biết cách sử dụng một app trên mobile cùng lúc là bài toán không dễ, đặc biệt hơn khi đó lại là app nghiệp vụ để phục vụ cho tiêm chủng. Đây là thách thức đối với đơn vị phát triển. Nhưng điều này sẽ được cải thiện và tốt hơn rất nhiều, ông Quý chia sẻ. Đó là lý do dẫn tới việc nhiều người gặp phải sự cố nhất định khi sử dụng app Sổ sức khỏe điện tử.
Để giải quyết vấn đề này, đơn vị phát triển sẽ xây dựng video hướng dẫn về các bước sử dụng để người dân hiểu hơn về ứng dụng. Ngoài ra, việc thường xuyên cập nhật và cải thiện phần mềm sẽ góp phần khắc phục những vấn đề phát sinh nếu có.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử
Thực tế cho thấy, kể từ 8/7 đến nay, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đã nhiều lần nâng cấp với tổng cộng 6 bản cập nhật. Nội dung của các bản cập nhật này đều nhằm sửa lỗi, cải thiện giao diện và hiệu năng cho ứng dụng.
Tính trung bình, cứ 1 tuần lại có tới 2 phiên bản cập nhật mới của ứng dụng này. Điều đó cho thấy sự tâm huyết và lắng nghe ý kiến người dùng từ phía đơn vị phát triển.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử đang ngày càng hoàn thiện cũng được ghi nhận bởi chính người dùng. Mặc dù có thời điểm Sổ sức khỏe điện tử bị xếp hạng khá thấp, nhưng lượt sao của ứng dụng này đang tăng lên trong những ngày gần đây
Tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử được đánh giá ở mức 3,8 trên thang điểm 5 sao bởi người dùng AppStore. Với kho ứng dụng Google Play của hệ điều hành Android, Sổ sức khỏe điện tử được 4,2 sao trên thang 5 điểm.
Không những vậy, nhiều người dùng còn để lại lời bình luận tích cực nhằm động viên đội ngũ phát triển. “Tôi đã đăng ký thành công, rất tiện lợi”, bạn Bùi Đạt chia sẻ. Bạn Đặng Nguyễn Đình Trung thì gợi ý: “Rất tốt, hữu ích cho người dân. Đề nghị hoàn thiện thêm phần đăng ký hẹn tư vấn và khám bệnh”.
Theo thống kê, chỉ trong tuần đầu công bố, đã có khoảng gần 2 triệu người đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 trên ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử. Theo đơn vị phát triển, con số này được dự đoán gia tăng hàng ngày. Nếu tính trên tất cả các nền tảng online, hiện có khoảng 4,2 triệu người đã đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 trên toàn quốc.
Trước thắc mắc về việc có nhiều người đăng ký nhưng chưa được tiêm vắc xin, đại diện đơn vị phát triển ứng dụng cho biết, Bộ Y tế có quy trình sàng lọc và duyệt đối tượng tiêm để đảm bảo an toàn, tiếp theo mới là kế hoạch tiêm cho từng nhóm đối tượng.
Quy trình tiêm chủng là được thiết kế rất chuẩn chỉ và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêm. Nền tảng quản lý tiêm chủng chính là công cụ giúp Bộ Y tế có thể sàng lọc người tiêm vắc xin Covid-19.
Trọng Đạt