Sản phẩm không có nhãn mác phụ, nghi vấn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu...là những gì đang diễn ra tại các cửa hàng kinh doanh của hệ thống thời trang T's Zone.
Mới đây, tòa soạn Thương hiệu và Công luận liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng hệ thống thời trang T's Zone kinh doanh các sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu các hãng thời trang lớn. Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm cũng như có hay không việc đánh lừa khách hàng nhằm trục lợi từ gian thương?
Theo tìm hiểu, với hơn 30 nghìn lượt thích trên nền tảng mạng xã hội Facebook, hệ thống kinh doanh thời trang T's Zone tập trung đẩy mạnh quảng cáo các sản phẩm quần áo như áo phông, áo polo, quần short, quần âu...dành cho đối tượng khách hàng từ 15 tuổi tới 30 tuổi với mức giá từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng.
Hệ thống thời trang T's Zone đẩy mạnh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook
Bên cạnh đó, để kích cầu mua sắm cũng như củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, trên trang cá nhân Facebook của hệ thống thời trang này còn đẩy mạnh các chương trình ‘sale chào hè’ với những đợt giảm giá cực ‘sốc’ cùng chuỗi cửa hàng gồm 03 cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều này càng khiến không ít khách hàng nhẹ dạ cả tin, dốc hết ‘hầu bao’ để tin dùng sản phẩm.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của bạn đọc liên quan đến nhiều sản phẩm tại hệ thống thời trang T's Zone không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày 05/06/2022 phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có mặt tại cơ sở 47 Khương Đình (Thanh Xuân, TP. Hà Nội) thuộc hệ thống T's Zone và ghi nhận những phản ánh của bạn đọc hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, cơ sở đang kinh doanh chủ yếu các mặt hàng áo phông và quần short áp dụng chương trình sale cho các sản phẩm từ 99k, 119k, 179k, 199k... Dẫu vậy, theo quan sát các sản phẩm tại đây được gắn nhiều loại tem nhãn mác khác nhau như ADLV, Champion, mác chữ nước ngoài (chữ Trung Quốc).
Nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng việt, nhãn mác ‘lạ’mang chữ nước ngoài, dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu
Theo như chia sẻ của nhân viên, các sản phẩm của cửa hàng đều nhập từ Trung Quốc và chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) về bán. Khi phóng viên tỏ ra lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhân viên vội trấn an: “Chất áo không bị co, không xù, giặt thoải mái. Chẳng may mà xù thì chỉ có loại 130 nghìn -140 nghìn thôi, còn hầu như những loại 180 nghìn, 200 nghìn, 250 nghìn thì không bị xù”.
Khi thấy phóng viên chưa biết chọn mẫu nào, nhân viên cửa hàng tư vấn: “Bên em mới về các mẫu của ADLV (giá 250 nghìn đồng), cái này làm y hệt hãng luôn từ tem mác đến hình in nhưng không phải hàng chính hãng. Những mẫu nào ‘hot’ bên em sẽ nhờ đặt in từ các mối quen”. Nhưng khi PV hỏi về thông tin sản phẩm, nhân viên tại đây trở nên lúng túng: “Thông số đã in hết trên này rồi (trên mác áo), thực ra chỉ là tượng trưng thôi không quan trọng. Không có cửa hàng nào trong hệ thống bán hàng chính hãng, khi mua khách chỉ có hóa đơn bán hàng thôi”. Nhân viên cửa hàng cho biết thêm.
ADLV là một hãng thời trang nổi tiếng của Hàn Quốc với các sản phẩm có giá khoảng 1 triệu đến 2 triệu đồng tại thị trường Việt Nam
Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi có thể bị phạt lên tới 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, điều 212 Luật sở hữu trí tuệ cũng có quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Cụ thể, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.
Từ sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sớm vào cuộc, xác minh làm rõ những nghi vấn của người tiêu dùng, xử lý nghiêm những cá nhân hoặc tổ chức có hành vi kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu, từ đó hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu của PV, hệ thống thời trang T's Zone đang kinh doanh và hoạt động tại 03 cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Cơ sở một số 47 Khương Đình, quận Thanh Xuân; cơ sở hai số 41 Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy; cơ sở ba số 233 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng.
Quang Minh