Trước xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp do nữ làm chủ ở Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ để chuyển đổi số thành công, do đó, đòi hỏi phải có giải pháp hỗ trợ đồng bộ để các doanh nghiệp thích ứng nhanh hơn với bối cảnh mới.
Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Hội thảo "Chuyển đổi số cho doanh nhiệp nhỏ và do phụ nữ làm chủ". (Ảnh: VGP/HT)
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp này tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ (chiếm khoảng 75%), ngành công nghiệp chế biến chế tạo (14,6%); khoa học công nghệ (7,3%).
Chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là DNNVV do nữ làm chủ đang phải đối mặt với những thách thức và tác động của dịch Covid-19. Điều này đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng.
Từ đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, giao Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với USAID triển khai thực hiện. Vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số như: Sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự sẵn sàng của công nghệ và của các nhà cung cấp chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV do phụ nữ làm chủ, cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình chuyển đổi số như hạn chế về tài chính, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm triển khai, thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), cho biết, dữ liệu phản ánh về chuyển đổi số cho thấy doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, 23,4% doanh nghiệp lo ngại về sự rò rỉ dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; 32,1% doanh nghiệp khó chuyển đổi số do năng lực của đội ngũ quản lý còn hạn chế; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 45,4% thiếu hạ tầng về công nghệ số; 60,1% khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số…
Kết nối mạng lưới và đối tác quốc tế đồng hành
Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho hay, trong năm 2021, đã có 400.000 doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số và 100 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về chuyển đổi số.
Bà Linda Percy, Quyền Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam, mong muốn được tìm hiểu về các nguồn lực và hoạt động hỗ trợ cho doanh nhân nữ với một loạt các công cụ và tài liệu được USAID và Bộ KH&ĐT công bố trên trang web chuyên biệt về chuyển đổi số trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp. Tại đây, các DNNVV cũng có thể kết nối với mạng lưới các chuyên gia và nhà cung cấp giải pháp.
Bà Linda cũng khuyến khích các nữ doanh nhân truy cập cổng thông tin để sử dụng các công cụ và truy cập thông tin cập nhật nhất về chuyển đổi số. Các DNNVV sẽ được tư vấn về chiến lược kinh doanh, thực tiễn sản xuất và bán hàng cũng như áp dụng lộ trình chuyển đổi số do Dự án USAID LinkSME hỗ trợ xây dựng, bao gồm sử dụng các giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử.
Cho đến nay, USAID và Bộ KH&ĐT đã giới thiệu các hoạt động hỗ trợ này tới gần 7.000 nữ doanh nhân từ các DNNVV, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
"Trong thời gian tới, Dự án USAID LinkSME và Bộ KH&ĐT đặt mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 150 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số với mục tiêu tiếp cận hàng nghìn nữ doanh nhân trên toàn quốc thông qua các hội thảo và đào tạo do dự án tổ chức" - bà Linda Percy cho biết.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), thời gian qua, Hội đồng DNNVN /VWEC đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều khóa đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho nữ doanh nhân trong nền kinh tế số, nâng cao hiểu biết và kỹ năng về công nghệ số, kỹ năng tiếp thị trực tuyến...
VWEC đã và đang tổ chức nhiều hội thảo/diễn đàn, tập huấn trao đổi về các phương pháp và quy trình chuyển đổi số cũng như cách tiếp cận hiệu quả các nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số…
"Chúng tôi cũng xin khẳng định sự cam kết và sẵn lòng hợp tác với các cơ quan bộ, ngành, các đối tác trong nước và quốc tế trong công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp, xây dựng và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số Việt Nam" - bà Nguyễn Thị Tuyết Minh khẳng định.
Hồng Anh (Theo Chinhphu.vn)