Huyện Việt Yên - Bắc Giang: Phấn đấu trở thành thị xã

Việc tiến hành quy trình, thủ tục để huyện Việt Yên được công nhận thị xã là nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 - 2023 của cả hệ thống chính trị. Đến nay, huyện Việt Yên đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, theo Đề án thành lập thị xã. Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang và thành lập các phường thuộc thị xã Việt Yên.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sau hơn 1 năm tập trung cao thực hiện NQ số 162-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về xây dựng và phát triển huyện Việt Yên thành thị xã vào năm 2025, đến thời điểm này, huyện Việt Yên đã hoàn thành 7/15 chỉ tiêu, 5 chỉ tiêu đã hoàn thành hơn 70%, còn 3 chỉ tiêu khác sẽ xong trước năm 2025.

Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên.Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên.

UBND huyện đang khẩn trương thực hiện việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch chung đô thị Việt Yên và lập các quy hoạch phân khu đáp ứng tiến độ đã đề ra; tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng các công trình quan trọng, có ý nghĩa tạo điểm nhấn, nâng tầm diện mạo đô thị như công viên trung tâm, nhà thi đấu, sân vận động, trục giao thông, cảnh quan chính, một số nhà cao tầng, khách sạn...

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đại Lượng cho biết, các chỉ tiêu đã hoàn thành, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn (gồm cả KCN); thu NSNN trên địa bàn (không tính tiền sử dụng đất); tỷ lệ dân số khu vực nội thị; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị; kế hoạch xây dựng 9 xã, thị trấn thành phường; 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của huyện được kết nối, chia sẻ.

Trong số này, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 33,3% (vượt hơn 10% so mục tiêu NQ162 đề ra). Tổng thu NSNN năm 2022 trên địa bàn huyện 4.884 tỷ đồng, đạt 175% dự toán tỉnh giao.

Theo ông Lương, các cơ quan chức năng của huyện đang tập trung đầu tư, xây dựng các phương án thực hiện cụ thể, để đến giữa năm 2023 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn thiếu nhằm nâng cấp 9 xã, thị trấn thành phường, cũng như một số tiêu chí còn thiếu để huyện thành thị xã.

Song song đó, huyện Việt Yên chủ động nghiên cứu triển khai việc dự kiến đặt tên đường phố để xác định các tuyến đường chính đô thị một cách phù hợp; tập trung chỉnh trang đô thị, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, tâm lý vui tươi, phấn khởi để người dân ý thức được đây là trách nhiệm chung và đồng hành với các cấp chính quyền trong triển khai, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đưa Việt Yên trở thành thị xã vào năm 2025.

Việt Yên tập trung, chú trọng đầu tư nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng của thị trấn Bích Động và thị trấn Nếnh, định hướng xây dựng tuyến phố văn minh tại 2 thị trấn này.

Cùng với đó, huyện khẩn trương hoàn thành đầu tư, xây dựng Quảng trường Nếnh, Công viên trung tâm tại thị trấn Nếnh, Công viên Nguyễn Thế Nho ở thị trấn Bích Động; quy hoạch khuôn viên cây xanh và hồ nước trung tâm huyện; khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa huyện, Khu liên hiệp thể thao huyện, phố đi bộ tại khu Trung tâm Văn hóa huyện.

Trải thảm đỏ thu hút đầu tư

Huyện Việt Yên chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tại địa phương đồng hành với địa phương thúc đẩy, có giải pháp phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu của xã hội, nhất là dịch vụ đáp ứng khu vực công nghiệp như khách sạn, dịch vụ giải trí, ăn uống.

Việt Yên khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh; từng bước phát triển mạng lưới cửa hàng tiện lợi gần kề ở các khu dân cư; mở rộng phạm vi kết nối cung ứng hàng hóa, nông sản cho các KCN.

Phối cảnh quần thể văn hóa - thể thao và dịch vụ huyện Việt Yên.Phối cảnh quần thể văn hóa - thể thao và dịch vụ huyện Việt Yên.

Địa phương tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích; quan tâm phát triển thương hiệu, thị trường; xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, sản xuất cây trồng, vật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển một số cơ sở giới thiệu và bán sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển thương mại với phát triển du lịch, phát triển sản phẩm OCOP địa phương.

Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ các vùng sản xuất chuyên canh lúa, rau màu, thủy sản; xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến các tiêu chí kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị; chú trọng công tác y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là năng lực dự phòng, khả năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh ở người; thu hút đầu tư thêm ít nhất một bệnh viện ngoài công lập theo quy hoạch.

Đối với công tác an sinh xã hội, Việt Yên nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, tăng cường quản lý lao động, phát huy các giá trị văn hóa, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số; chú trọng việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn, tiếp tục thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao theo hướng gắn với phát triển đô thị.

Việt Yên đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững - động lực chính cho tăng trưởng kinh tế; phát triển công nghiệp tập trung tại các KCN, CCN; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đầu tư, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Địa phương huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp theo lộ trình triển khai các KCN, CCN mới trong phương án phát triển huyện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Bá Đoàn 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục