Bắc Giang đẩy mạnh liên kết vùng, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Cùng với việc đầu tư vào những sản phẩm thế mạnh, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc liên kết vùng, hợp tác giao thương đưa hàng hóa có chất lượng tới người tiêu dùng cả nước.

Bắc Giang hiện có 205 sản phẩm OCOP, nằm trong tốp đầu toàn quốc, gồm 31 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao, với đa dạng lĩnh vực: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu; thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Gian trưng bày sản phẩm OCOP của Bắc Giang tại Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc, tổ chức tại tỉnh Hòa BìnhGian trưng bày sản phẩm OCOP của Bắc Giang tại Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc, tổ chức tại tỉnh Hòa Bình.

Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, cơ bản các sản phẩm OCOP của Bắc Giang chỉ bán trong tỉnh. Hầu hết các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại Bắc Giang không bày bán sản phẩm OCOP của tỉnh bạn. Ngược lại, có rất ít điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của tỉnh bạn bày bán sản phẩm OCOP của Bắc Giang. Ngoài các sản phẩm bán được với số lượng lớn như: Vải thiều, cam, bưởi, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo, sản phẩm đóng hộp… thì đa phần sản phẩm OCOP của tỉnh lượng bán ra rất khiêm tốn, khó tiêu thụ tại tỉnh ngoài.

Nguyên nhân là do nhiều sản phẩm chưa được khách hàng tin dùng. Nhiều sản phẩm sản xuất thủ công, chưa xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì thiếu hấp dẫn, tính cạnh tranh yếu. Các chủ thể là hợp tác xã, cơ sở sản xuất (yếu về nguồn lực kinh tế và hạn chế trong quản lý, xây dựng chiến lược kinh doanh) chiếm tới hơn 92%. Sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm tươi sống, mang tính thời vụ, có thời hạn bảo quản ngắn, chi phí cao trong vận chuyển nên hạn chế khi mang đi các tỉnh, thành phố khác để giới thiệu, quảng bá.

Khách mua sản phẩm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn (Lục Nam)Khách mua sản phẩm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh, xã Trường Sơn (Lục Nam).

Trong khi sản phẩm OCOP phát triển mạnh thì việc liên kết vùng, hợp tác giao thương đưa hàng hóa có chất lượng tới người tiêu dùng không chỉ tại Bắc Giang mà còn đến với người dân cả nước là hết sức quan trọng. Nhất là đến các tỉnh, thành phố có nhu cầu lớn về nông sản hàng hóa như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, cùng nhiều tỉnh phía Nam. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của Bắc Giang ra tỉnh ngoài, cần tạo được liên kết vùng chặt chẽ. Chỉ khi tạo được liên kết tiêu thụ với các đầu mối, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, phân phối, tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố thì sản phẩm OCOP và nông sản của tỉnh mới dễ dàng tiếp cận và đến gần hơn với người tiêu dùng ngoài tỉnh. Đồng thời, tạo thuận lợi trong việc cung ứng chéo sản phẩm OCOP.

Xác định được tầm quan trọng của việc liên kết vùng trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh, cũng như phát triển các hoạt động giao thương với các tỉnh bạn, thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP nâng cao năng lực sản xuất; đổi mới hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho phù hợp; xúc tiến thương mại trực tuyến, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử khá hiệu quả.

Theo ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để liên kết, tạo động lực tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh được thuận lợi, Sở tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài nước. Sở thường xuyên liên hệ với các bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối để nắm bắt thông tin, kết nối thị trường, hợp tác cung ứng chéo sản phẩm OCOP giữa các tỉnh; hỗ trợ ứng dụng xúc tiến thương mại trên nền tảng số, mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục