Những ngày này, hàng ngàn hộ nông dân trồng sầu riêng trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Một tín hiệu vui là sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ nông sản của nông dân đã trở nên rất thuận lợi. Cùng với đó, giá sầu riêng năm nay cũng cao hơn hẳn so với cùng thời điểm năm 2021.
Nông dân phấn khởi
Ông Lê Quang Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn Hà Lâm (Đạ Huoai) cho biết: Hiện trên địa bàn, giá sầu riêng đang được thương lái thu mua bao xô tận vườn từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân thu về lợi nhuận trên dưới 500 triệu đồng/1 ha sầu riêng bước vào giai đoạn kinh doanh.
Theo ông Sơn, những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn xã Hà Lâm nói riêng cũng như huyện Đạ Huoai nói chung không ngừng tăng lên. Cây sầu riêng đang trở thành một trong những loại cây trồng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.
Hiện đang trong giai đoạn bước vào mùa thu hoạch rộ nhưng giá sầu riêng hạt lép Ri6, Thái được nông dân trên địa bàn huyện bán cho thương lái và các vựa thu mua vẫn ở mức khá cao, từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Mức giá này đang cao hơn ít nhất từ 10.000 -15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh việc thu mua sầu riêng tươi để tách múi trữ đông, phục vụ cho thị trường xuất khẩu
“Sầu riêng bán được giá cao không chỉ do năm nay đầu ra sản phẩm có nhiều thuận lợi khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt mà còn chính nhờ chất lượng trái sầu riêng huyện Đạ Huoai đã được khẳng định, ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưu tiên chọn mua”, ông Sơn nói.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Manh, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai cũng đang vô cùng phấn khởi khi vườn sầu riêng của gia đình bà năm nay vừa được mùa lại được giá. Bà Manh cho biết: Gia đình bà hiện đang canh tác 7 ha sầu riêng; trong đó, có 2 ha đang cho thu hoạch chính. Riêng vụ sầu riêng năm nay, gia đình bà dự tính thu về sản lượng hơn 50 tấn trái, đạt doanh thu trên 2,2 tỷ đồng.
“So với năm ngoái, giá sầu riêng năm nay đã tăng hơn 30%. Ngoài ra, việc thu hoạch và tiêu thụ cũng trở nên dễ dàng hơn khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, thương lái từ khắp nơi có thể vào tận vườn để tự do mua bán, mặc cả”, bà Manh nêu.
Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy (Thôn 6, xã Lộc An, Bảo Lâm) cho biết: Mặc dù, năm 2022, hoạt động xuất khẩu sầu riêng theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bị ngưng trệ do nước này đang siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản nói chung và trái cây nói riêng; trong đó, có trái sầu riêng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang áp dụng chính sách “Zero Covid” nên việc xuất khẩu trái sầu riêng sang Trung Quốc càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, năm 2022 thay vì xuất khẩu trái tươi thì các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch; chú trọng bảo quản và sơ chế, trữ đông sầu riêng để phục vụ xuất khẩu. Chính điều này đã góp phần giúp ổn định giá cả đầu ra cho trái sầu riêng.
Theo ông Sơn, hiện nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến trái cây không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ sầu riêng dạng nguyên trái mà còn dần làm chủ các công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm. Ðặc biệt, thực hiện trữ đông múi sầu riêng trong các kho lạnh giúp bảo quản được nhiều tháng. Riêng đối với Công ty Long Thủy, mỗi ngày doanh nghiệp thực hiện tách múi từ 10 - 15 trái sầu riêng tươi để trữ đông, phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch
Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng đang có hơn 10.000 ha sầu riêng, và diện tích này vẫn đang tiếp tục không ngừng tăng lên. Ngoài tiêu thụ thị trường trong nước, phần lớn sản lượng sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng phục vụ thị trường xuất khẩu; trong đó, chủ yếu là thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Dịch Covid-19 được kiểm soát, thương lái từ khắp nơi có thể vào tận vườn để tự do mua bán, mặc cả
Ông Hà Ngọc Chiến - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện các thủ tục để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã được Cục Bảo vệ Thực vật hoàn tất và chỉ chờ ngày chính thức để hai nước thông qua nghị định thư.
Để hướng đến việc xuất khẩu sẩu riêng chính ngạch, các ngành chức năng, các doanh nghiệp, người nông dân và chính quyền địa phương đã có những chuẩn bị nhất định. Hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật đã phổ biến rất kỹ càng những yêu cầu này tới người dân và doanh nghiệp sản xuất sầu riêng, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn gì thì các cơ quan chuyên môn như Cục Bảo vệ Thực vật sẵn sang lắng nghe và hướng dẫn xử lý.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật ở các nơi khi có hàng hóa đến cần kiểm tra xuất xứ của hàng hóa có đúng mã số hay không, bao bì nhãn mác có đúng quy định hay không và có đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật hay không. Quá trình này sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh chóng nhất, thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian nhất để doanh nghiệp có thể sớm đưa hàng sang Trung Quốc.
Về phía tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng cho các địa phương cũng đã được ngành nông nghiệp thực hiện tại các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho người dân.
Do đó, hiện chỉ chờ ngày nghị định thư được ký chính thức là sầu riêng Lâm Đồng sẽ được xuất khẩu chính ngạch - ông Chiến cho hay.
H. Thủy (Nguồn:http://baolamdong.vn/)