Lạng Sơn chính thức thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Cửa khẩu quốc tế Hữu NghịCửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Với mục tiêu cụ thể triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng. Đồng thời giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân hai bên biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 gấp 02 - 03 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800 - 1.200 xe/ngày.

Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 gấp 04 - 05 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000 - 3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.

Cụ thể, xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089. Mô hình cửa khẩu thông minh thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm. Bên cạnh đó, phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động đồng thời.

Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: Mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian thí điểm tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án.

Đề án được thực hiện trong 2 giai đoạn. Thời gian thực hiện Đề án: từ Quý III/2024 đến hết quý III/2029.

Trong đó, giai đoạn 1 (từ Quý III/2024 đến hết Quý II/2026) sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng và ký kết với Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc về cơ chế gặp gỡ trao đổi thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh thuộc trách nhiệm Nhà nước; Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp; Xây dựng các hướng dẫn để triển khai xây dựng, quản lý và vận hành cửa khẩu thông minh; Xây dựng các quy trình vận hành, kiểm tra, giám sát chi tiết, cụ thể. Phân định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu thông minh; Triển khai đấu nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu thông tin với phía Trung Quốc để vận hành thử nghiệm cửa khẩu thông minh.

Giai đoạn 2 từ Quý III/2026 đến hết Quý III/2029 thực hiện thí điểm triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh; trong quá trình vận hành thường xuyên kiểm tra, đánh giá, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định; tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng hạ tầng khu vực cửa khẩu bảo đảm đồng bộ với phía Trung Quốc, trọng tâm là hạ tầng bến bãi.

Nguồn kinh phí thực hiện đề án sử dụng các nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công), kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, đề án đã được phê duyệt và huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa, nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Thanh Lam 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục