Bài toán đầu ra cho sản phẩm rau sạch vẫn đang khiến người nông dân, những HTX, trồng rau sạch tại Hà Nội đau đáu tìm câu trả lời. Bởi, giá cả rau sạch thường cao hơn nhiều so các loại rau thông thường và người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng...
Mô hình trồng rau VietGap
Rào cản đối với NTD
Năm 2022, Sở NN&PTNT 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia chương trình phối hợp cung ứng nông sản cho Thủ đô; chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội, chiếm 57% số chuỗi toàn quốc, tăng 20% số chuỗi so 2021. Riêng Hà Nội, đã xây dựng và tiếp tục phát triển tốt 159 chuỗi.
Tuy nhiên, số lượng rau sạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap, góp mặt tại các chuỗi cung ứng, nhất là cửa hàng, siêu thị… vẫn chưa đạt kỳ vọng. Vậy, vì sao, nông sản sạch vẫn chưa đứng vững trên thị trường?
Chị Hoàng Thị Hoa (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Mất vệ sinh an toàn thực phẩm - là vấn đề nhức nhối hiện nay, do đó khi đi chợ, siêu thị, cũng lựa chọn rất kỹ sản phẩm. Đối với rau hữu cơ, VietGap, GlobalG.A.P…, chị có niềm tin cao hơn. Nhưng giá cả của mặt hàng rau sạch này, lại chính là rào cản khiến người có thu nhập thấp như tôi, phải đắn đo.
Theo chị Hoa: “Rau hữu cơ, VietGap, có giá cao gấp 2 - 3 lần so rau khác. Với người có thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng như tôi, chỉ dám lựa chọn những mớ rau vài nghìn”.
Có thể nói, giá cả đang là rào cản giữa sản phẩm của các HTX sản xuất rau sạch và người tiêu dùng. Nhưng rõ ràng, trồng rau sạch có quy trình nghiêm ngặt, từ việc chọn giống cây, phân bón và liều lượng, thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá cao hơn - là điều dễ hiểu.
Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn (Hà Nội) Hoàng Thị Hậu cho rằng, mức đầu tư rau sạch cao hơn, thì ắt hẳn giá sẽ đắt hơn. Sản xuất rau hữu cơ, phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt, bao gồm 6 “không”: Không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không dùng chất kích thích; không chất bảo quản; không sử dụng cây biến đổi gen; không dùng thuốc trừ cỏ. Quá trình sản xuất, chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục, theo quy trình ủ nóng để bảo vệ môi trường.
“Ban đầu, khi mới triển khai trồng rau hữu cơ, chúng tôi khá vất vả, công sức, tiền bạc bỏ ra nhiều, mà thu về chẳng bao nhiêu, vì tiêu thụ chậm. Bây giờ, thị trường đã ổn định hơn, nhưng vẫn khó khăn”, bà Hậu thông tin.
Ngoài vấn đề giá cả, không ít người tiêu dùng còn lo ngại rau sạch bị đội lốt. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hơn 90% rau sạch được các HTX tiêu thụ ở các chợ dân sinh, chợ đầu mối nên dễ bị đánh tráo.
Những chiếc mác làm giả lại quá dễ dẫn đến nghịch lý: Người bán rau sạch thì “làm thật ăn giả” - do đầu tư vào quy mô, kỹ thuật trồng rau lớn, lãi không cao; trong khi người bán rau bẩn thì lại “ăn thật làm giả” - vì chỉ cần dán mác “an toàn” lên rau bẩn rồi bán với giá như rau sạch và thu lãi. Như vậy, công sức, nhọc nhằn của những người trồng rau sạch, khác nào bị “ốc mò cò xơi”?
Nhiều năm sản xuất rau VietGap, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình, quận Hà Đông (Hà Nội) Trịnh Văn Vĩnh hiểu rõ sự nghịch lý này của thị trường.
Theo ông Vĩnh: “Quy trình canh tác rau VietGap rất nghiêm ngặt, rau hữu cơ còn nghiêm ngặt hơn nên không dễ trồng. Tại sao, trên thị trường, đâu đâu cũng quảng cáo bán rau hữu cơ, rau sạch?
Những loại rau còn không có tem. Sự nhập nhèm đó – khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào rau sạch và những người làm ăn chân chính như chúng tôi, bị ảnh hưởng”.
Đầu tư rau sạch cao - giá bán sẽ cao
Giải bài toán đầu ra?
Theo các chuyên gia, để những sản phẩm nông nghiệp sạch có được đầu ra ổn định, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Việc Hà Nội phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cũng nhằm mục đích này. Các sản phẩm trong chuỗi được kiểm tra từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và tem truy xuất nguồn gốc - là “chứng minh thư” cho sản phẩm.
Tuy nhiên, tem, mác có thể bị làm giả nên trách nhiệm của cơ quan chức năng, HTX trong việc bảo vệ giá trị thương hiệu sản phẩm là rất quan trọng.
Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, Hoàng Thị Hậu thể hiện rõ quan điểm: "Cơ sở sản xuất và nhà phân phối phải có những quy định chặt chẽ, chứ không chỉ dựa vào niềm tin".
HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân đã đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với nhà phân phối để đảm bảo rau hữu cơ không bị đánh tráo và tem truy xuất của đơn vị không bị “thất lạc”: Thứ nhất, bắt buộc rau phải đóng đúng bao bì tại cơ sở; thứ hai, cơ sở phân phối và HTX phải ký kết ghi rõ số lượng rau, loại rau và mỗi túi rau chỉ dán 1 tem truy xuất nguồn gốc.
Còn vấn đề người dân vẫn lăn tăn về giá cả đối với các loại thực phẩm sạch là do chưa hiểu được hết những giá trị của thực phẩm hữu cơ, VietGap…
Hiện nay, mất vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối của xã hội, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đo, nhiều HTX sản xuất rau sạch mong muốn, những thông tin về giá trị của tiêu dùng sạch - cần được báo chí và các kênh thông tin khác tuyên truyền mạnh hơn nữa.
Có như vậy, người nông dân mới yên tâm sản xuất, khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang tính đặc trưng của địa phương, đồng thời góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến với người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Phan Chinh