Sản phẩm TPBVSK Vương Phế An có đang vi phạm quy định về quảng cáo?

Sản phẩm Vương Phế An được Công ty TNHH WINFA (số 2, đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đăng ký công bố và phân phối là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, trên nhiều nền tảng internet sản phẩm này lại đang được quảng cáo có tác dụng "điều trị" như thuốc chữa bệnh.

Thời gian qua, đã có rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh các y, bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên; sử dụng các danh hiệu như: “Nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính... việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm trái phép này không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, mà còn gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định về Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm...

Mặc dù Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý rất nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN có nội dung quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm, nhưng thực tế tình trạng này vẫn rất phức tạp. Đáng lo ngại, việc mạo danh bác sĩ, chuyên gia y tế gọi điện tư vấn qua điện thoại cho người bệnh, hoặc lợi dụng ảnh hưởng người nổi tiếng quảng cáo TPCN để bán các mặt hàng TPCN có chất lượng không đảm bảo đang gia tăng và ngày càng tinh vi.

Để quảng cáo thực phẩm chức năng cần đáp ứng điều kiện gì? 

Theo quy định của pháp luật về quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP thì nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:

Một là: Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Hai là: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Ba là: Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định và có các nội dung gồm: Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có); Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Bốn là: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Năm là: Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong đó có quảng cáo thực phẩm chức năng chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

Xử phạt đối với hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng

Theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a, b Khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) thì việc xử phạt hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:

Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm thiếu một trong các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; khuyến cáo về nguy cơ, cảnh báo đối tượng không được sử dụng, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;...

Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.

Phạt tiền từ 20 triêu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ,...; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;...

Ngoài khung hình phạt nêu trên, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như Tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; Tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo và tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả mà mình gây ra. 

Quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh

Ghi nhận của PV về sản phẩm TPBVSK Vương Phế An và Vương Phế An Plus trên một số website: https://www.vuongpheanchinhhang.vn/; https://www.vuongpheanplus.com/ hay tại một số trang Fanpage như: Vương Phế An Plus – Điều trị viêm họng hạt, Amidan tại nhà… đều xuất hiện tình trạng quảng cáo các sản phẩm này có tác dụng “điều trị” viêm họng như thuốc chữa bệnh.trên Facebook xuất hiện nhiều fanage quảng cáo TPBVSK VƯơng Phế An Plus có tác dụng điều trịTrên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều fanage quảng cáo TPBVSK Vương Phế An Plus có tác dụng điều trị

Cụ thể, sản phẩm Vương Phế An viên hoàn được giới thiệu với lời khẳng định là Giải pháp điều trị tận gốc viêm họng hạt, viêm amidan mãn tính, viêm phế quản, thanh quản lâu năm... số 1 Việt Nam. Kèm theo đó là hình ảnh bác sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng được đăng tải cũng những bài quảng cáo về sản phẩm này.

nhiều nghệ si

Nghệ sĩ Quang Thắng quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnhNghệ sĩ Quang Thắng và nhiều diễn viên quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Tại các trang web trên, tổ chức kinh doanh nêu ra các triệu chứng bệnh viêm amidan, amidan hốc mủ, viêm phế quản cấp và mãn tính, viêm họng hạt... và hàng loạt biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị... Để giải quyết tình trạng trên, tổ chức kinh doanh xoa dịu người bệnh và giới thiệu “giải pháp vàng” chấm dứt tận gốc bệnh bằng cách sử dụng Vương Phế An với cam kết “sạch họng, hết ho, không lo tái phát”.

Quảng cáo TPCN Vương Phế An điều trị viêm họng hạtSản phẩm Vương Phế An được quảng cáo là giải pháp vàng điều trị tận gốc viêm họng số 1 Việt Nam

Thậm chí, để người bệnh tin tưởng mua sản phẩm, Vương Phế An còn được “vẽ” phác đồ điều trị như thuốc như: giai đoạn 1 tiêu viêm giảm sưng, giai đoạn 2 phục hồi, giai đoạn 3 ngăn ngừa tái phát... cùng cam kết “nổ” sau quá trình sử dụng sẽ dứt điểm các triệu chứng viêm họng, viêm amidan, viêm họng hạt, khạc nhổ đờm đặc. Sau khi hỗ trợ điều trị thành công, niêm mạc họng không hề bị tổn thương như cắt và đốt nên không tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công trở lại. Người bệnh hầu như không bị tái lại như các phương pháp khác.

Thậm chí, sản phẩm này còn được quảng cáo gắn liền với hình ảnh của các bác sĩ, chuyên gia y tế nhằm thu hút người dùng. Cụ thể, trong đoạn video quảng cáo được đăng tải với hình ảnh PGS. TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương liên tục “nâng” công dụng của Vương Phế An trong điều trị viêm amidan, viêm họng hạt, chữa chứng ho cho người lớn và trẻ em...

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế của phóng viên cho thấy, sản phẩm Vương Phế An viên hoàn thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ giảm đau rát họng, khản tiếng do ho kéo dài, hỗ trợ bổ phế, hỗ trợ giúp hạn chế ho nhiều, hỗ trợ giảm tăng tiết đờm chứ không khỏi dứt điểm hay thoát khỏi bệnh như quảng cáo. Ngoài ra, Vương Phế An được cơ quan chức năng khuyến cáo không sử dụng cho người mẫn cảm, kiêng kỵ với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.Giấy đăng ký công bố sản phẩm Vương Phế An của Công ty TNHH WINFAGiấy đăng ký công bố sản phẩm Vương Phế An của Công ty TNHH WINFA

Để thông tin được khách quan, PV đã đến trụ sở và liên hệ tới số điện thoại ghi trên giấy đăng ký công bố sản phẩm (địa chỉ: Tầng 2, tòa nhà Mỹ Đình Plaza 2, số 2 đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng hoàn toàn không có đơn vị nào tên Công ty TNHH WINFA đang hoạt động. Thay vào đó, hiện Công ty TNHH WINFA do ông Đinh Công Đức làm đại diện pháp luật có MST: 0108755253 đang hoạt động tại địa chỉ tại Khu đô thị Thành phố Giao lưu, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý như Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế và các lực lượng chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN để đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm TPCN trước khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật. 

Thiên Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục