Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Nam 6 tháng qua đã tăng gần 12,8%. Đây là một thực tế - chứng minh cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh.
Doanh nghiệp gia tăng sản xuất, vốn đầu tư công đổ vào nền kinh tế tăng trưởng mạnh, kinh tế du lịch phục hồi... kéo theo tốc độ tăng trưởng GRDP địa phương (Ảnh: T.D)
Kinh tế tăng trưởng mạnh
Cục Thống kê công bố GRDP của Quảng Nam 6 tháng qua tăng gần 12,8%. Đây là mức tăng cao nhất so với các năm gần đây (6 tháng 2019, 2020 & 2021 lần lượt là + 6,4%, - 11,3% & + 11,4%). Mức tăng này vượt qua dự đoán của cơ quan quản lý và là tín hiệu rất đáng phấn khởi.
Động năng tăng trưởng nhiều năm của địa phương vẫn nằm ở việc gia tăng sản xuất, đầu tư. Trường Hải liên tục xuất xưởng xe mới, ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các hãng ô tô thương hiệu mạnh trên toàn thế giới.
Tập đoàn này đã tái khởi động các gói thầu dự án mở rộng, đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn, xây dựng nhà ở công nhân và tái định cư cho người dân vùng dự án mới tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Lượng ô tô sản xuất, lắp ráp đã tăng đến 47% (ô tô du lịch tăng 73%). Hàng loạt công trình đầu tư công đã khánh thành hoặc khởi công mới với hàng nghìn tỷ đồng đổ vào nền kinh tế.
Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội gần 16.500 tỷ đồng (tăng 11,9%), cao hơn nhiều mức tăng 5% của năm 2021. Khoảng 32 dự án đầu tư được cấp phép (29 dự án đầu tư nội địa và 3 dự án FDI).
Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 0,4% và số doanh nghiệp sau nhiều tháng tạm dừng đã gia tăng trở lại (tăng 50,3%). Khu vực kinh tế bị suy giảm nặng nề do Covid-19 là du lịch đã sôi động trở lại.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, chỉ 85% cơ sở lưu trú tái mở cửa, nhưng các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn hàng. Tổng lượt khách du lịch tăng 2,7 lần so cùng kỳ. Khách quốc tế đã bắt đầu quay trở lại (gần 40.000 lượt, tăng gấp 5,3 lần)...
Thống kê cho thấy, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng gần 1% (góp 0,13 điểm %), công nghiệp và xây dựng tăng 19,3% (góp 7 điểm %), khu vực dịch vụ tăng 6,5% (góp 2 điểm %) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 19,3% (góp 3,64 điểm %). Riêng vận tải phục hồi chậm. Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã khiến kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn.
Theo một phân tích khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Nam xếp thứ 4/63 tỉnh, thành, xếp 2/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa), đứng đầu 5 tỉnh, thành khu vực trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng +7,2%, Bình Định +7%, Thừa Thiên Huế +6,9%), Quảng Ngãi +6,3%).
Hoàn thành kế hoạch không khó
Cục trưởng Cục Thống kê - ông Lê Quý Đạt nhận định, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của địa phương tiếp tục gia tăng. Tăng trưởng trên hầu hết lĩnh vực. Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Điều đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại.
Ảnh minh họa
Du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng khu vực xây dựng tăng trưởng khá ổn định. Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng yếu tố bất lợi thời tiết nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương.
Theo phân tích của Cục Thống kê và các cơ quan quản lý, động lực dẫn dắt chính của nền kinh tế địa phương vẫn chủ yếu dựa vào khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, chế biến.
Kết quả khảo sát dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý II-2022 xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã hồi phục và ổn định sản xuất hơn so với quý trước do hầu hết doanh nghiệp đã thích ứng với tình hình mới.
Cụ thể, quý II-2022 có gần 54% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình sản xuất tốt hơn (quý I-2022: 19,8%), có 34,2% giữ ổn định (quý I-2022: 39,5%), chỉ 11,8% số doanh nghiệp cho là khó khăn hơn (quý I-2022: 40,8%).
Sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm liên quan, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, sản xuất xe có động cơ... dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Có đến 39,5% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường nội địa thấp, 36,8% doanh nghiệp khó khăn về tài chính, 34,4% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên vật liệu, 27,6% doanh nghiệp nói tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao, 23,7% doanh nghiệp than phiền lãi suất vay vốn cao, 21,1% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.
Một số doanh nghiệp cho biết, nhu cầu thị trường quốc tế thấp, thiết bị công nghệ lạc hậu, chính sách pháp luật nhà nước về kinh tế còn rắc rối... Tất cả yếu tố này cộng lại đã ảnh hưởng đến khả năng sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều tin rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (dự báo quý III-2022) sẽ khả quan hơn, theo chiều hướng tích cực, khi có đến 56,6% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình tốt hơn quý II-2022, 32,9% doanh nghiệp và chỉ có số ít (10,5%) doanh nghiệp cho rằng sẽ khó khăn hơn.
Th. Hương (Nguồn: https://baoquangnam.vn/)