Thủ tướng: Xây dựng nền kinh tế độc lập, hội nhập sâu rộng

Thủ tướng cho rằng phải khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Chiều 5-6, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể tọa đàm cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”.

Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ và TP.HCM đồng tổ chức.

Kinh tế cần độc lập, tự chủ để vượt dông bão

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đến năm 2030 và 2045 thì nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ…

Ông Trần Tuấn Anh dẫn chứng trong hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây nên. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây; hàng triệu người lao động bị mất việc làm; hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch; ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng; thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại.

Đến nay, theo ông Trần Tuấn Anh, từ tam giác độc lập, tự chủ và hội nhập nền kinh tế Việt Nam đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.” “Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội!” - ông Trần Tuấn Anh nêu bật.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga - Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Tại diễn đàn, ý kiến nhiều chuyên gia đánh giá: Để Việt Nam trụ hạng trong bối cảnh “dông bão” thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, năng lực điều hành “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán trong chính sách và quyết liệt hành động. Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn định.

Xây nền kinh tế độc lập là chủ trương đúng

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng diễn đàn đã thống nhất cao và khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt và hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta là kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư. Ảnh: TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng dẫn chứng, trong hơn 35 năm đổi mới, chính việc thực hiện hiệu quả chủ trương trên đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Gần đây, qua hơn hai năm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, tuy có những lúc bị động, lúng túng, song đến nay chúng ta đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, kinh tế - xã hội đang phục hồi nhanh. “Điều này vừa cho thấy việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là đòi hỏi khách quan, đồng thời là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, dân tộc ta” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ định hướng “độc lập, tự chủ gắn với hội nhập” xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh từ khi thành lập nước đến nay, trong đó kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, theo Thủ tướng, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết, là tất yếu khách quan, qua đó nâng cao vị thế đất nước; nâng cao sức mạnh nội lực; xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và các thách thức nổi lên.

Ba trụ cột xây nền kinh tế độc lập

Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, chúng ta phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất gắn với kết nối hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, thế giới. Nền kinh tế đó dựa trên cơ sở ba trụ cột là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các yếu tố nền tảng là con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa.

Phát huy giá trị văn hóa và tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tài năng và phẩm chất của con người Việt Nam để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng cho rằng phải khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định và ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển hóa ngoại lực thành nội lực.

Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, của doanh nghiệp và của sản phẩm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán: Không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả!” Thủ tướng khẳng định và cho biết Chính phủ luôn tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững!

Theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh

 

Cùng chuyên mục