Sáng 21/3, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Tổng kết dự án SRECA ra mắt Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối (BLOCKCHAIN)”.
Tại hội thảo, đại diện Cục Xúc tiến thương mại đã báo cáo kết quả Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực châu Á (SRECA) tại Việt Nam đã triển khai và hiệu quả hoạt động đã được hai bên thống nhất trong Thoả thuận hợp tác theo chiều sâu, thông qua các hoạt động và kế hoạch dài hạn nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tham gia hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số, triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thành công.
Bộ Công Thương ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối.
Bên cạnh đó, Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại itrace247 cũng đã được giới thiệu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tận dụng công cụ số, xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu theo đúng định hướng của quốc gia hướng đến. Đồng thời, hỗ trợ người tiêu dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta đã phục hồi khá rõ nét trên nhiều lĩnh vực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao. Chúng ta đã triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện có rất nhiều bất ổn, những yếu tố bất định đan xen với tình hình địa chính trị căng thẳng và tình hình lạm phát của thế giới vẫn là thách thức lớn cho kinh tế của đất nước.
Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế và xã hội số, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, hồi phục sau đại dịch và phát triển. Ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc (đảm bảo chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm, hàng hóa) lại càng được quan tâm nhiều hơn và là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nói một cách khác, đó chính là truy xuất nguồn gốc và hoạt động này góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Theo đại diện của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam, xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kì vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó sản xuất xanh và minh bạch thông tin giúp khách hàng có thể đánh giá chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, gia tăng sự tin tưởng và sự ủng hộ của khách hàng đối với sản phẩm và doanh nghiệp.
Thực tế, việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, hai bên đồng triển khai Dự án SRECA tại Việt Nam trong 3 năm (2019-2022). Dự án tập trung nâng cao năng lực của các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ thương mại, hợp tác xác và doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng được các cơ hội từ hiệp định ASEAN - Trung Quốc để xuất khẩu thành công nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Hồng Anh