Sâm Ngọc Linh giả như thật và câu chuyện thật - giả chưa có hồi kết

Tình trạng bán- mua sâm Ngọc Linh thật- giả lẫn lộn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng.

Mặc dù nguồn cung khan hiếm nhưng được rao bán tràn lan, muốn mua bao nhiêu cũng có, đang là thực tế của thị trường mua bán sâm Ngọc Linh, dược liệu đặc biệt quý, chỉ có ở tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tình trạng bán- mua sâm Ngọc Linh thật- giả lẫn lộn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng; tới giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh, là câu chuyện diễn ra từ nhiều năm và mỗi năm lại thêm phức tạp, chưa biết khi nào có hồi kết. 

Trong danh sách rất dài các nạn nhân của sâm Ngọc Linh giả, trớ trêu có cả những người trồng sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. Mới đây hàng chục hộ dân ở làng Xa Úa, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei đã mua phải một loại hạt hình dạng giống hạt sâm Ngọc Linh về trồng, với giá tới trên 100.000 đồng mỗi hạt. Anh A Thim, thôn trưởng Xa Úa là người có nghi vấn về những hạt sâm giống này nhưng trước cơn khát hạt giống để trồng được sâm Ngọc Linh cũng không cưỡng lại được:

“Tôi cũng có mua 5 hạt như thế này. Một số nhà mua 40, 50 hạt, 100 hạt. Một hạt trên 100.000 đồng, không dưới 100.000 đồng. Làng tôi trên Xa Úa hiện nay theo nắm bắt là hơn 30 hộ mua rồi”- anh A Thim cho hay. 

-Một lô cây giả sâm Ngọc Linh Kon Tum gian thương tuồn vào huyện Đăk Tô bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện.-Một lô cây giả sâm Ngọc Linh Kon Tum gian thương tuồn vào huyện Đăk Tô bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện

 Dịp cuối năm là thời điểm thị trường mua bán sâm Ngọc Linh ở Kon Tum sôi động nhất. Ngoài rao bán công khai, tràn lan trên mạng xã hội, sâm Ngọc Linh còn được bán dưới dạng “bà con cần tiền bán một ít để lo việc nhà”. Do số tiền người tiêu dùng phải bỏ ra mua mỗi kg sâm Ngọc Linh rất lớn, lại cũng là để “cam kết sâm thật”, nên đã từ rất lâu, sâm Ngọc Linh Kon Tum hầu hết được bán dưới dạng củ tươi và cây còn nguyên cả thân, lá. Thế nhưng “thật quá hóa giả”, thời điểm này cây sâm Ngọc Linh Kon Tum đã ngủ đông, chủ yếu chỉ còn phần củ dưới đất, sót cây nào lá cũng đã vàng úa nhưng trên thị trường gian thương vẫn đang rao bán loại sâm Ngọc Linh “không chịu ngủ đông” nghĩa là cây sâm còn nguyên cả lá xanh tốt.

Ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, sống trong vùng chỉ dẫn địa lý và đã ăn, ngủ cùng cây sâm Ngọc Linh Kon Tum hàng chục năm nay, cám cảnh: “Thời điểm sâm Ngọc Linh ngủ đông là từ tháng 10 đến tháng 2. Về cây sâm Ngọc Linh có lá nhiều và to ở trên đây là không có. Nếu đúng sâm Ngọc Linh thật thì bây giờ ví dụ mình đi một vườn rộng cả ha nó chỉ còn không có nhiều cây mà cây đó nó lại vàng lá hết rồi, nó gần ngủ đông hết rồi”.

Tiêu hủy sâm Ngọc Linh giả tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.Tiêu hủy sâm Ngọc Linh giả tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum

Đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh, để làm người tiêu dùng thông thái cách duy nhất là mua sản phẩm từ các Công ty, đơn vị trực tiếp trồng sâm và có sự giới thiệu, đảm bảo từ chính quyền cũng như ngành chức năng địa phương. Ngoài ra, nếu việc mua sâm được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào khác đều có nguy cơ cao là mua phải  loại cây có hình dạng giống sâm Ngọc Linh. Một trong số đó là cây tam thất vũ diệp mà những năm gần đây gian thương đã tìm đủ mọi cách để tuồn vào địa bàn tỉnh Kon Tum. Việc phân biệt thật- giả bằng mắt thường hay kinh nghiệm là điều không thể ngay cả với những người sống trong vùng sâm Ngọc Linh.

Bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên, người am hiểu về dược liệu, quyết tâm theo đuổi việc trồng dược liệu sạch trên địa bàn huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, cho biết: “Hiện tại một số thương lái họ lấy sâm từ phía Bắc hoặc có thể là sâm Trung Quốc vào tại tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam để bán với giá rất là cao và người tiêu dùng thì thực sự là không thể phân biệt được. Người tiêu dùng hiện tại bỏ ra một số tiền quá lớn để mua về một cái sâm chất lượng không tương ứng với giá tiền người ta mua thì thực sự là rất xót cho người tiêu dùng”.

Để phân biệt được sâm Ngọc Linh là thật hay giả, phương pháp thông thường  là test saponin có trong củ mẫu. Thế nhưng phương pháp này cũng không giải quyết triệt để được câu chuyện thật- giả vì saponin cũng có trong nhiều loại sâm khác nhau. Để  bảo vệ giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh Kon Tum đang đầu tư phương tiện máy móc hướng tới việc xét nghiệm ADN để xác định cây sâm Ngọc Linh thật-giả vào năm 2022. Cùng với đó, UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng Công an vào cuộc lập chuyên án xử lý việc mua bán sâm Ngọc Linh giả trên địa bàn.

 Khoa Điềm/VOV

Bài liên quan

Cùng chuyên mục