Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu tiên của năm 2023, đã có 153 dự án FDI được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký.
Kết quả thu hút các dự án mới trong tháng 1 được đánh giá là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho Việt Nam trong năm 2023 khi nhiều dự báo cho thấy Việt Nam có thể thu hút từ 36-38 tỷ USD.
Trong số các dự án FDI được cấp mới, những dự án liên quan đến lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có tỉ lệ vốn đăng ký lớn nhất, đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1%; các ngành còn lại đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Trung Quốc xếp thứ 2 với 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%.
Bên cạnh đó, cũng trong tháng đầu tiên của năm 2023, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 3 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn là 126,6 triệu USD, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước; có 1 lượt dự án điều chỉnh vốn, với số vốn điều chỉnh thêm 140,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 126,7 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tháng qua, có 3 quốc gia nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với 125,1 triệu USD, chiếm 98,7% tổng vốn đầu tư; Thái Lan 1,5 triệu USD, chiếm 1,2%; Lào 140.400 USD, chiếm 0,1%.
Hồng Anh