Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần làm lành mạnh, bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, đi đúng bản chất, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.
Phát biểu kết luận tại phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn kinh tế Việt Nam chiều 17/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp, nhà ngoại giao, quản lý đã nêu đều rất đúng, rất trúng, song “vấn đề là phải làm thế nào?”.
Thủ tướng đề nghị tất cả phải vào cuộc, càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết thống nhất, cộng đồng chung tay quyết tâm làm, với tinh thần hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, chia sẻ những khó khăn, rủi ro.
Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá về thể chế chiến lược, hạ tầng kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực. Dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn, song chúng ta đang có nền kinh tế phát triển đúng hướng. Đất nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, song hàng loạt các kết quả đạt được như GDP tăng, xuất nhập khẩu tăng là điểm sáng, phải phát huy.
“Vừa rồi tôi đi hội nghị có 36 nước tham gia, ai cũng nhắc đến Việt Nam. Mình chẳng tô hồng, cũng không bôi đen, số liệu đã có ở Tổng cục Thống kê, ai thắc mắc có thể xem”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thuận lợi, thời cơ, khó khăn thách thức đan xen. Vì thế luôn phải sẵn sàng nhận diện, ứng phó, đối xử phù hợp, hiệu quả. Cuộc sống không lúc nào không có khó khăn, đất nước cũng không thể có thuận lợi cả mà không có khó khăn.
“Ai nghĩ năm 2019 - 2021 có đại dịch như thế? Ai nghĩ được sau kiểm soát đại dịch lại đến cạnh tranh rủi ro, xung đột, lạm phát hậu Covid-19, khủng hoảng năng lượng, lương thực. Chúng ta luôn sẵn sàng đối phó với rủi ro, thách thức, chẳng có gì phải run sợ. Tất nhiên không có giải pháp nào hoàn hảo, phải tìm giải pháp tốt nhất trong các giải pháp, ưu tiên cho nó”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, khó khăn sau đại dịch là chúng ta chưa hồi phục được, lại có tác động từ bên ngoài, bên trong. Trong đó, nổi lên mấy việc: một là chứng khoán lên xuống, phục hồi nhưng chưa bền vững; trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, thanh khoản, cung ứng tiền có vấn đề; thị trường bất động sản ách tắc; thị trường lao động hụt hẫng cục bộ; xăng dầu, thuốc...
Thủ tướng cũng chỉ rõ nguyên nhân do quản lý yếu kém, thanh kiểm tra chưa đến nơi đến chốn. Thủ tướng ví von như “lúc bệnh còn nhỏ thì sợ không dám xử lý, dần lan truyền ra thành ung thư thì mới xử lý sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn. Nhưng không xử lý không được”.
Thủ tướng khẳng định, việc xử lý sẽ làm lành mạnh, bền vững các thị trường, đi đúng bản chất, phải hài hoà lợi ích, rủi ro chia sẻ. Khi đã xử lý thì không có phương án nào tối ưu, phải chọn phương án tốt nhất.
"Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định việc tôn trọng quy luật thị trường, không chi tiền làm việc không thuộc trách nhiệm Nhà nước, nhưng Nhà nước có cơ chế giải quyết.
Duy Khánh