Với tâm lý sính ngoại của nhiều khách hàng hiện nay, những dự án bất động sản thuần Việt đang dần “vắng bóng” ở Việt Nam, thậm chí đang đứng trước nguy cơ mai một vì khó cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, những dự án bất động sản hạng sang ở Việt Nam đa phần đều có những cái tên, phong cách kiến trúc của nước ngoài như châu Âu, châu Mỹ, Địa Trung Hải, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các dự án có thương hiệu “thuần Việt” gần như vắng bóng trên thị trường bất động sản. Nghịch lý này đang đặt ra một dấu hỏi lớn trong việc khai thác giá trị văn hóa Việt vào bất động sản.
Ông Mai Lâm Tới - CEO Công ty Cổ phần Truyền thông và Phát triển Bất động sản uFly, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc truyền thông và phát triển thương hiệu cho dự án bất động sản - chia sẻ, khách hàng người Việt có xu hướng ưa chuộng những loại hình bất động sản có thương hiệu và phong cách kiến trúc nước ngoài. Chính điều này đã khiến những dự án bất động sản thuần Việt thường khó cạnh tranh trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc truyền thông, xây dựng và phát triển thương hiệu cho dự án bất động sản?
Xuất phát điểm của tôi là tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Tuy nhiên, công việc của tôi không dừng lại ở việc đi phiên dịch theo đúng chuyên ngành theo học.
Ông Mai Lâm Tới.
Năm 2005, tôi có cơ hội bén duyên với công việc marketing và từng kết hợp với bạn mở một công ty chuyên thiết kế thương hiệu và truyền thông. Đến năm 2016, tôi gặp lại một người bạn đang điều hành một công ty bất động sản rất thành công. Sau khi bàn bạc, trao đổi, công ty tôi bắt đầu cung cấp các dịch vụ marketing, truyền thông cho doanh nghiệp bất động sản của bạn tôi và thu về thành công lớn. Từ đó, tôi và đội ngũ nhân sự của công ty thực hiện công tác truyền thông cho nhiều dự án bất động sản và đạt được những kết quả ngoài mong đợi.
So với những lĩnh vực khác, việc xây dựng thương hiệu cho dự án bất động sản có điểm gì khác biệt, thưa ông?
Điểm khác biệt lớn nhất trong việc làm thương hiệu cho các dự án bất động sản là bám sát vào xu thế thị trường với cách thức triển khai mạnh mẽ, tầm vóc và linh hoạt. Các sản phẩm bất động sản thường có giá trị lớn, nhắm tới những đối tượng khách hàng có nhu cầu để ở hay muốn duy trì và gia tăng giá trị.
Cho nên trước khi nghĩ ra những cái tên hay câu chuyện, những người làm truyền thông cần nghiên cứu kỹ thị trường, phân tích số liệu để nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và xu thế của thị trường bất động sản. Từ đó, những cái tên và câu chuyện thương hiệu mới ra đời để phù hợp với xu thế và nhu cầu của khách hàng đang hướng đến. Nếu làm thương hiệu tốt, các dự án bất động sản sẽ lan tỏa mạnh mẽ và thể hiện được giá trị, từ đó có khả năng thành công hơn trên thị trường.
Ông lấy nguồn cảm hứng ở đâu để sáng tạo ra những cái tên, câu chuyện truyền thông cho các dự án bất động sản?
Khi tôi nhận phát triển thương hiệu cho dự án bất động sản, một số chủ đầu tư đã có sẵn ý tưởng bao quát, công ty tôi sẽ sáng tạo thêm ấn phẩm, hình ảnh và câu chuyện thương hiệu theo ý tưởng bao quát đó.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu, phân tích kỹ từng dự án để xem nó nằm ở vị trí nào, kiến trúc, tiện ích, quần thể có gì đặc biệt để liên tưởng đến những câu chuyện hay, ý nghĩa giúp chạm vào tâm lý, cảm xúc của khách hàng.
Khi nhắc đến ngành bất động sản, người ta thường nghĩ ngay đến một cái gì đó khô khan, lợi nhuận nhưng có vẻ như công việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho dự án bất động của ông không hề khô khan như vậy?
Về bản chất, công việc mà tôi đang làm cũng nhằm mục đích tối ưu hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, thay vì tối ưu hóa lợi nhuận bằng những con số, công việc truyền thông cho dự án bất động sản là sáng tạo những ý tưởng, các ấn phẩm trực quan, câu chuyện liên quan nhất để đánh trúng vào tâm lý của khách hàng.
Dù là một ngành kinh tế khô khan nhưng công tác truyền thông bất động sản vẫn luôn có yếu tố cảm xúc. Yếu tố cảm xúc ở đây chính là tạo ra những “câu chuyện truyền cảm hứng” bằng hình ảnh, thước phim, phối cảnh hoặc thực tế dự án, thậm chí là không khí sôi động của thị trường mua bán… để từ đó “kích thích” cảm xúc khách hàng, giúp họ có lý do để yêu dự án.
Ông vừa nhắc đến tính “cảm xúc” trong bất động sản. Vậy yếu tố này quyết định như thế nào đến sự thành công của một dự án?
Yếu tố tiên quyết đầu tiên để quyết định sự thành công của một dự án bất động sản vẫn là giá trị của từng sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên, trước khi khách hàng nhận được những giá trị đó trong thực tế, các dự án bất động sản phải tạo ra được cảm xúc thông qua tên thương hiệu, câu chuyện, hình ảnh, tác phẩm... ấn tượng nhằm tác động vào tâm lý của những người mua. Một dự án muốn thành công phải kết hợp song song hai yếu tố cảm xúc và giá trị.
Hiện nay, đa số các dự án bất động sản ở Việt Nam đều có tên, phong cách kiến trúc nước ngoài, hiếm thấy dự án nào thuần Việt 100%. Tại sao lại như vậy, thưa ông?
Đa phần dự án bất động sản hiện nay ở Việt Nam đều có những cái tên và phong cách mang hơi hướng quốc tế, đặc biệt là những dự án bất động sản hạng sang. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ sự giao thoa mạnh mẽ giữa nền văn hóa Việt Nam với thế giới hiện nay.
Điều này đã khiến nhiều khách hàng có xu hướng thích và mong muốn được sở hữu những dự án bất động sản có yếu tố nước ngoài. Trong ngôn ngữ, những từ ngữ vay mượn cũng được đánh giá là “sang” hơn từ ngữ thuần Việt. Vì vậy, những dự án bất động sản này thể hiện được sự sang trọng và đánh vào tâm lý của khách hàng muốn có những ngôi nhà “sang - xịn - mịn”.
Một nguyên nhân nữa là do xu thế chung của thị trường bất động sản. Những dự án sau sẽ học hỏi những thành công của những dự án trước đó. Chúng ta dễ nhận thấy, các dự án bất động sản sang trọng đều mang phong cách hay kiến trúc quốc tế, rất ít những dự án thuần Việt.
Thời điểm hiện tại, khách hàng cũng đã quen với những dự án bất động sản có những cái tên và phong cách nước ngoài như vậy. Cho nên, nếu đặt một cái tên hay xây dựng một phong cách kiến trúc thuần Việt cho một dự án bất động sản hạng sang sẽ không khớp với sở thích, mong muốn của khách hàng, cũng như là xu thế của thị trường.
Đứng ở vai trò là một người xây dựng thương hiệu cho dự án bất động sản, ông thích đặt một cái tên thuần Việt hay một cái tên nước ngoài?
Vì những lý do tôi đã nêu ở trên, tôi sẽ lựa chọn một cái tên nước ngoài cho những dự án hạng sang, vì làm như vậy chúng ta có thể dễ liên tưởng tới nhiều phong cách kiến trúc độc đáo, đa dạng bên nước ngoài - vốn hợp “gu” xu hướng của một bộ phận khách hàng hiện nay.
Ví dụ, tôi có xây dựng thương hiệu cho một dự án bất động sản ở Uông Bí. Sau khi phân tích vị trí dự án nằm bên một con sông và tiện ích đang có, chúng tôi nghĩ ngay đến phong cách kiến trúc và những câu chuyện về thành phố bên sông ở Châu Âu.
Ông đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh giữa một dự án bất động sản thuần Việt và một dự án bất động sản có yếu tố nước ngoài trong bối cảnh thị trường hiện nay?
Với bối cảnh thị trường hiện nay, nếu đặt lên bàn cân so sánh thì những dự án bất động sản có yếu tố nước ngoài sẽ hợp thời và có tính cạnh tranh cao hơn. Đặc biệt, đối với những phân khúc bất động sản hạng sang, những dự án thuần Việt càng khó để cạnh tranh.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc những dự án bất động sản thuần Việt không thể cạnh tranh được trên thị trường. Bởi vì nó còn phụ thuộc vào khách hàng của dự án đó dành cho ai. Tôi lấy ví dụ, nếu như một dự án có đối tượng khách hàng trung tuổi đang sinh sống trong đô thị chật chội, bí bách, khả năng tài chính trung bình thì những dự án bất động sản có một cái tên, phong cách kiến trúc thuần Việt, nằm ở ngoại ô sẽ được ưa chuộng. Những đối tượng khách hàng có khả năng tài chính tốt, tôi cho rằng, họ sẽ thích những dự án bất động sản mang phong cách kiến trúc nước ngoài hơn một dự án thuần Việt.
Vậy theo ông, giải pháp để khai thác được những giá trị văn hóa Việt vào bất động sản là gì?
Tôi nghĩ để khai thác nhiều hơn những giá trị văn hóa Việt trong phát triển bất động sản hạng sang chúng ta cần phải có một quãng thời gian dài. Trước mắt, những nhà phát triển bất động sản có thể làm các dự án bất động sản có sự kết hợp, giao thoa giữa những nét kiến trúc nước ngoài và Việt Nam.
Tôi từng biết đến một dự án khu đô thị hạng sang ở Miền Trung có sự kết hợp rất tinh tế, đẳng cấp giữa kiến trúc Đông Dương và hồn cốt văn hóa Chăm Pa, Việt Nam. Sự kết hợp này vừa thể hiện sự sáng tạo, độc đáo, vừa có thể đưa những giá trị văn hóa Việt vào bất động sản.
Trong vấn đề này, chúng ta không thể trách xu thế thị trường hay sở thích khách hàng. Cái cốt lõi ở đây là Việt Nam cần những nhà phát triển xứng tầm, đủ bản lĩnh để phát triển những dự án bất động sản thuần Việt. Ai cũng mong muốn những giá trị văn hóa Việt được gìn giữ và phát triển trong bất động sản, nhưng chúng ta luôn phải thích nghi với thực tế. Hy vọng, trong tương lai, Việt Nam sẽ có những dự án như vậy.
Bảo Trâm - Thành Trung