Thương mại điện tử ở nước ta đang là một ngành tăng trưởng nhanh, do đó các doanh nghiệp bán lẻ không thể đứng ngoài cuộc chơi. Đánh giá về thị trường này, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết, thương mại điện tử là một xu hướng không thể bỏ qua và nó đang tiếp tục tăng trưởng, tập trung ở các nhóm khách hàng trẻ. Thế Giới Di Động cũ
Bán lẻ qua thương mại điện tử tăng trưởng đột phá
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.
Theo đó, nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C (từ doanh nghiệp tới khách hàng) tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020 và 16,4 tỷ USD năm 2022. Có khoảng 60 triệu người mua sắm qua thương mại điện tử với mức mua sắm trung bình 300 USD/năm.
Báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric, có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Hiện có gần 637.300 shop bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Ngành hàng đứng đầu về doanh thu cũng như sản lượng là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ.
Năm 2023 cũng là năm chứng kiến sự tăng trưởng đột phá về doanh số bán hàng trực tuyến của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, khi mang về gần 1.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 20,7% so với năm 2022. Để đạt được kết quả này, Saigon Co.op đã đầu tư để chuẩn hóa quy trình vận hành, triển khai các hoạt động truyền thông, khuyến mãi thu hút khách hàng, thanh toán trực tuyến...
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm là mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, có thể đạt 650.000 tỷ đồng (tương đương 26,3 tỷ USD). Trong đó, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023.
Doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc chơi
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Thời gian qua, Saigon Co.op đã tập trung hoàn thiện công tác định hướng và chuẩn bị nguồn nhân lực cho thương mại điện tử giai đoạn 2024 - 2025 nhằm tạo sức bật lớn hơn, theo kịp xu hướng phát triển chung của thị trường”. Theo đó, Saigon Co.op đặt mục tiêu nâng doanh số bán hàng trực tuyến đạt 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Dù tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số, nhưng về tổng thể, bán lẻ trên nền tảng thương mại điện tử vẫn ở quy mô nhỏ, mới chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.Thương mại điện tử là một xu hướng mà doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua.
Thương mại điện tử là một xu hướng mà doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua.
Trong khi đó, tại cuộc họp với cổ đông mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đánh giá thương mại điện tử là một ngành đang tăng trưởng nhanh và "ông lớn" bán lẻ này không thể đứng ngoài cuộc chơi đó.
"Thương mại điện tử là một xu hướng không thể bỏ qua và nó đang tiếp tục tăng trưởng, tập trung ở các nhóm khách hàng trẻ và chúng tôi cũng đang có kế hoạch phát triển lĩnh vực này", ông Tài cho biết ban lãnh đạo sẽ phát triển đội nhóm TMĐT từ mảng điện máy, di động tới tạp hoá.
"Sắp tới mảng điện máy, di động của chúng tôi sẽ có một cánh quân mới, độc lập tác chiến trong lĩnh vực thương mại điện tử", Chủ tịch MWG tiết lộ. Bên cạnh đó, ở mảng tạp hoá, ông Tài cho biết Bách Hoá Xanh cũng đã đẩy mạnh kênh bán hàng Bách Hoá Xanh online.
Năm nay, Đầu tư Thế Giới Di Động đặt mục tiêu kênh online sẽ đóng góp 5-30% vào doanh thu toàn tập đoàn, tuỳ từng ngành hàng. Khi nhắc tới "cánh quân TMĐT", ông Tài dường như ám chỉ tới đội ngũ mà ông Đoàn Văn Hiểu Em -CEO Chuỗi Thế Giới Di Động, đã từng nhắc tới trong phiên họp nhà tư cách đây hai tháng.
Theo đó, kế hoạch của tập đoàn là tách mảng kinh doanh online riêng với chuỗi bán lẻ. Ông Hiểu Em cho biết đội ngũ đảm nhiệm online sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ kết quả kinh doanh của mảng này. Trước đây, các chuỗi của Đầu tư Thế Giới Di Động vốn duy trì song song hai mảng online và offline.
Hồng Quang