Tiến sĩ Lê Thái Hà và chia sẻ về rào cản khi phụ nữ làm khoa học

Nữ Tiến sĩ Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Giải thưởng VinFuture, là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 do Nhà xuất bản Elsevier công bố.

Trong cuộc trò chuyện với PV, Tiến sĩ Lê Thái Hà đã có những chia sẻ về rào cản khi người phụ nữ đi theo con đường nghiên cứu khoa học.

Nâng cao vai trò của những nhà khoa học nữ

Xin chị cho biết cảm xúc của mình khi được Nhà Xuất bản Elsevier vinh danh là một trong các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng trên thế giới năm 2022?

Lần đầu tiên lọt vào danh sách, tôi khá bất ngờ vì trong giới khoa học, các nghiên cứu thuộc ngành kinh tế thường được cho là không có mức độ ảnh hưởng hay tác động lớn như các nghiên cứu của các ngành có tính ứng dụng cao như y - sinh hay công nghệ - thông tin.

Tiến sĩ Lê Thái Hà khi còn công tác tại Đại học Fullbright Việt Nam.Tiến sĩ Lê Thái Hà khi còn công tác tại Đại học Fullbright Việt Nam.

Một số bạn trẻ chia sẻ với tôi là đọc những câu chuyện nghiên cứu của tôi, họ có thêm cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Điều này khiến tôi cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn. Quan trọng hơn cả, tôi vui khi thấy được sự quan tâm của công chúng dành cho giới khoa học.

Được biết, chị từng hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ trong vòng 2 năm với điểm PhD CGPA gần như tuyệt đối, một điều chưa từng xảy ra ở Đại học Nanyang (Singapore). Đâu là động lực để chị tạo nên kỳ tích đó?

Khi vào tuần đầu của chương trình PhD, tôi có cảm giác rất hụt hẫng và sốc. Tôi nghĩ, có lẽ vì chưa học qua thạc sĩ nên mình bị hổng kiến thức so với mọi người. Nhưng đến tuần tiếp theo, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra và tôi cảm thấy không thể chấp nhận được nữa.

Tôi tìm đọc tất cả những kiến thức để xóa khoảng cách đấy trong vòng hơn một tuần. Bắt đầu đến tuần thứ 4, tôi đi học đã hiểu được trọn vẹn kiến thức. Một vài tuần sau, tôi không chỉ học những kiến thức được giảng trên lớp nữa mà bắt đầu tìm đọc những bài nghiên cứu của các thầy để hiểu thêm những vấn đề nâng cao hơn.

Tiến sĩ Lê Thái Hà hiện là Giám đốc Điều hành Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture.Tiến sĩ Lê Thái Hà hiện là Giám đốc Điều hành Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture.

Sau đó, thay vì tập trung toàn lực vào việc học trên lớp như các bạn PhD năm một khác, tôi vừa học kiến thức qua bài giảng, vừa tự tập cách viết bài báo khoa học dù giáo sư hướng dẫn tôi thời điểm đó chưa kỳ vọng vào chuyện này. Cuối cùng, khi đã có nhiều yếu tố hội tụ như điểm số tốt, cao nhất trong khóa, có 2 bài báo khoa học được đăng, tôi thấy mình đã sẵn sàng để tốt nghiệp.

Phiên bảo vệ luận án tiến sĩ của tôi có rất nhiều các bạn nghiên cứu sinh ở các ngành khác trong trường đến tham dự. Tôi nghĩ có thể vì các bạn tò mò tại sao có người mới học PhD 2 năm mà đã “dám” bảo vệ. Lúc vào phòng, tôi thấy đông người nên cũng ngạc nhiên và khá hồi hộp, nhưng vì chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên tôi may mắn cũng có phiên bảo vệ thành công.

Theo đuổi con đường khó khăn và có phần khô khan như khoa học, là một người phụ nữ, chị đã phải đối mặt với những khó khăn nào?

Tôi luôn xem nghiên cứu là sở thích và là đam mê nên bản thân cảm thấy nghiên cứu khoa học khá thú vị chứ không hề khô khan. Ai làm nghiên cứu khoa học có lẽ cũng trải qua những vấn đề, thách thức chung.

Mặc dù không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao mà đôi khi kết quả lại không được như ý, nhưng tôi tin rằng, nếu giữ vững được sự say mê, bền bỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu, cũng như có được sự đồng hành, ủng hộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những cảm xúc tiêu cực như thế thường cũng sớm qua đi.

Chị có kỳ vọng gì vào cộng đồng những “bóng hồng” làm khoa học?

Tôi nhớ là có thống kê rằng nữ giới chỉ chiếm 1/3 tổng số nhà khoa học trên toàn cầu và chỉ có khoảng 4% giải Nobel khoa học từng được trao cho nhà khoa học nữ. Điều đó có nghĩa là dù các nỗ lực để đạt được bình đẳng giới vẫn đang diễn ra, người phụ nữ vẫn phải đối mặt với những rào cản đáng kể để thăng tiến trong công việc nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng.

Tôi hy vọng cộng đồng những nhà khoa học nữ sẽ tiếp tục nhận được thêm sự ủng hộ từ gia đình và xã hội cũng như những hỗ trợ cụ thể từ chính sách hay giáo dục, để vai trò của người phụ nữ trong nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao hơn và tôi tin họ sẽ đạt được những thành tựu rực rỡ hơn nữa.

Khát vọng nâng tầm vị thế khoa học Việt Nam

Từng trải qua nhiều vị trí, từ giảng viên đến tư vấn cho WB, ADB, UNDP, ERIA, nhưng dường như niềm đam mê nghiên cứu chưa lúc nào dừng lại trong chị. Vậy đâu là động lực để chị “giữ lửa” đam mê?

Tôi trải qua nhiều vai trò và tính chất công việc vì tìm thấy niềm vui và sự hứng khởi, ý nghĩa trong quá trình trải nghiệm bản thân ở những công việc khác nhau.

Ở việc giảng dạy, tôi tìm thấy niềm vui từ việc được chia sẻ với các bạn sinh viên, học viên về những kiến thức mình có, cũng như lời khuyên và ý kiến riêng về các vấn đề các bạn đang thắc mắc. Tôi cũng được các bạn lắng nghe, phản hồi, thoải mái chia sẻ những ý nghĩ của các bạn mà đôi khi cũng rất thú vị, sáng tạo. Tôi có cảm giác hạnh phúc khi sinh viên, học viên thấy những kiến thức, chia sẻ đó có ích và có thể ứng dụng vào cuộc sống, công việc của các bạn.

Ở việc tư vấn cho các tổ chức quốc tế, tôi thấy việc nghiên cứu của mình có ý nghĩa thực tiễn hơn khi có thể được áp dụng vào để lý giải hay tìm phương án giải quyết cho các vấn đề nổi cộm đang diễn ra.

Còn nghiên cứu khoa học thì đã là đam mê từ lâu rồi nên mình sẽ luôn dành thời gian cho nó.

Gia đình có vai trò như thế nào trong con đường làm khoa học đầy thách thức của chị?

Với tôi, công việc có thể có sự ưu tiên ở một vài thời điểm, giai đoạn nào đó nhưng chắc chắn gia đình luôn quan trọng và là kim chỉ nam cho tôi. Sau những giờ tập trung cho công việc, tôi dành phần lớn thời gian cho gia đình như chơi cùng con, đi thăm bố mẹ, cùng chồng đi du lịch hay đơn giản là cùng nhau làm những việc nhỏ nhặt trong nhà. Những điều bình dị này giúp tôi cân bằng cuộc sống, đó là yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Việc sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý là rất quan trọng. Tôi luôn đặt ra một quỹ thời gian dành cho gia đình và một phần nhỏ còn lại dành cho bản thân. Tôi có may mắn, thuận lợi khi có được sự ủng hộ lớn từ gia đình, bố mẹ và đặc biệt là có sự cảm thông, tin tưởng từ người bạn đời của mình.

Vậy, đâu là cơ duyên đưa chị tới vị trí Giám đốc Điều hành Giải thưởng VinFuture?

Quỹ VinFuture đi vào hoạt động được một năm cũng là giai đoạn này thế giới trải qua 2 năm đại dịch. Sau buổi gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của nhà sáng lập Quỹ, tôi cảm nhận đây là thời điểm mình có thể thực hiện một cuộc “chuyển giao” lớn.

Một lý do quan trọng dẫn đến quyết định thay đổi định hướng sự nghiệp là tôi rất trân trọng tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ. Quỹ VinFuture hướng đến những phát minh khoa học có tác động lớn đến con người. Quan trọng hơn cả, trong tương lai, khi các hoạt động kết nối và chuyển giao khoa học công nghệ của Quỹ cũng như Giải thưởng VinFuture đạt được sự lan tỏa và sức ảnh hưởng như kỳ vọng, vô hình trung, Giải thưởng sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Từ bỏ công việc giảng dạy kéo dài đến 10 năm vậy sang với VinFuture, mọi thứ thay đổi với chị như thế nào?

Việc quyết định gắn bó với VinFuture cũng là cách tôi thử thách bản thân, bởi đây là quá trình sẽ khiến tôi trưởng thành và học hỏi được nhiều điều hơn.

Trước khi đưa ra quyết định gia nhập VinFuture, tôi bồi hồi, xúc động vì nghĩ rằng bản thân sẽ phải tạm xa trường lớp và giảm nhiều sự tập trung cho công việc nghiên cứu khoa học của mình. Bên cạnh đó, trong tôi còn cảm giác hào hứng, thích thú xen lẫn chút hồi hộp khi bước vào một thử thách mới, môi trường mới, theo đuổi công việc với phạm trù tính chất khá khác biệt.

Chị đánh giá như thế nào về Giải thưởng VinFuture với nền khoa học?

Sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture là tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên Trái đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ. Giải thưởng tôn vinh những trí tuệ xuất sắc mà không phân biệt quốc gia, giới tính, lứa tuổi - tác giả của các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại.

Mặc dù khoa học công nghệ của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, song cũng như các quốc gia đang phát triển khác, điều kiện nghiên cứu khoa học còn có nhiều hạn chế. Ngược lại, các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và các nhà khoa học ở các nước đang phát triển nói chung sẽ có thể có cách tiếp cận cụ thể và thực tế hơn với các thách thức mà con người đang phải đối mặt, từ đó có các giải pháp khoa học để giải quyết chúng.

Tôi tin rằng VinFuture và tầm nhìn của các nhà sáng lập Quỹ, Giải thưởng sẽ là chiếc cầu nối kéo gần khoảng cách giữa khoa học công nghệ Việt Nam và thế giới, thúc đẩy các nhà khoa học Việt Nam làm nên những công trình xứng đáng, phụng sự nhân loại.

Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Việt Anh - Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục