Vì sao, giá gạo ‘nhảy múa’ ở các chợ dân sinh nhưng tại siêu thị, giá vẫn bình ổn?

Sau khi giá gạo xuất khẩu tăng khiến giá gạo ở hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội biến động liên tục trong những ngày qua, nhưng tại các siêu thị vẫn giữ giá bán vẫn ổn định. Vì sao lại như vậy?

Ghi nhận của Phóng viên Thương hiệu và Công luận ngày 16/10, giá gạo tại thị trường TP. Hà Nội tăng mạnh. Tuy nhiên, việc tăng giá này chỉ diễn ra ở các chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ. Trong khi đó, tại các siêu thị, giá gạo và các sản phẩm thiết yếu vẫn bình ổn.

Giá gạo ‘nhảy múa’ ở chợ truyền thống

Tại chợ Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy; chợ Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm; chợ Ngã Tư Sở và chợ Nhân Chính thuộc quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội và một số chợ ở ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh.. nhiều tiểu thương chia sẻ: Khoảng 02 tuần nay, giá gạo các loại đều tăng giá, giá tăng từ phân khúc bình dân cho đến cao cấp. Giá gạo tăng trung bình từ 2.000-2.500 đồng/kg.

Theo ông Phạm Văn Luân, chuyên kinh doanh gạo tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm thì: "Khoảng hai tuần nay, giá gạo liên tục tăng, hầu hết các loại gạo đều tăng khoảng 7-10% và hiện giá gạo đang rất cao. Do giá gạo xuất khẩu tăng nên giá gạo tẻ thường cũng tăng. Tôi nhập vào và bán ra mỗi yến gạo tẻ tăng khoảng 20.000 đồng như gạo xi dẻo, bắc hương, tám xoan, tám Hải Hậu…".

Cửa hàng kinh doanh gạo tại chợ Phùng Khoang của ông Phạm Văn Luân.Cửa hàng kinh doanh gạo tại chợ Phùng Khoang của ông Phạm Văn Luân.

Chị Lê Hằng, chủ cửa hàng Gạo sạch Đăng Hiếu, cạnh chợ Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cung cấp thông tin: "Giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá gạo trong nước tăng nên giá gạo bán ra cũng phải tăng theo. Mấy ngày nay mỗi hôm giá gạo một khác khiến chúng tôi không biết nên điều chỉnh giá như thế nào là hợp lý vì khách tới mua hầu như toàn khách quen nên nếu có tăng tôi cũng chỉ dám cầm chừng".

Giá gạo tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, mặc dù giá cao nhưng sức mua vẫn lớn. Nhiều tiểu thương ở Hà Nội bày tỏ: Gạo tăng giá nên một số người mua nhiều hơn trước để dự trữ. Trước đây, mỗi lần họ mua khoảng 10kg-20kg dùng cho một tháng thì giờ đây mua khoảng 50kg. Nguồn cung gạo hiện nay đang còn hạn chế. Trước đây, tiểu thương, đại lý đặt gạo ngày hôm trước hôm sau đã có hàng, số lượng bao nhiêu cũng có, nhưng giờ muốn mua nhiều cũng khó.

Cửa hàng Gạo sạch Đăng Hiếu của chị Lê Hằng tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.Giá gạo xuất khẩu tăng đã đẩy giá gạo trong nước tăng, nên giá gạo bán ra cũng phải tăng theo.

Theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, giá gạo tẻ thường thấp nhất tại các chợ là xi dẻo, khang dân có giá bán khoảng 16.500-17.000 đồng/yến, tăng 20% so với trước.

Gạo ST25 tăng từ 25.000 đồng/kg lên 28.000-32.000 đồng/kg; gạo ST21 có giá 23.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên tăng từ 16.000 đồng/kg đã tăng lên 18.000- 20.000 đồng/kg; gạo tám Hải Hậu tăng từ 15.000-16.000 đồng/kg lên 19.000 đồng/kg; gạo tám xoan Hải Hậu tăng từ 17.000 đồng/kg lên 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Bắc Thơm từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; gạo dẻo 64 từ 14.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg...

Người tiêu dùng Vũ Thị Thu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội chia sẻ: "Gia đình tôi nhiều năm nay sử dụng gạo ST25. Tuy nhiên, tháng trước tôi mua gạo ST25 giá 250.000 đồng/bao 10kg thì nay lên đến 300.000 đồng/bao. Đây đều là các sản phẩm gạo xuất khẩu, có truy nguồn gốc nên tôi rất yên tâm về an toàn thực phẩm. Không chỉ gạo mà nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo. Giá cả ngày càng leo thang khiến những người tiêu dùng, bà nội trợ như chúng tôi đau đầu vì phải tính toán, chi tiêu sao cho phù hợp".

Hệ thống siêu thị giữ giá ổn định

Khác với chợ dân sinh, chợ truyền thống, đại lý bán lẻ, hiện nay tại nhiều siêu thị ở TP. Hà Nội vẫn giữ giá bán gạo ổn định.

Hầu hết, đại lý cung ứng gạo trên thị trường và các doanh nghiệp tại chuỗi bán lẻ như: GO!, Winmart, BRG,… nhờ việc ký kết hợp đồng với nông dân về vùng trồng lúa và bao tiêu sản phẩm cuối cùng, cho nên những sản phẩm gạo cao cấp như ST25, ST24, ST21, séng cù Điện Biên, séng cù Lào Cai, nếp… đều không tăng giá. Giá gạo bán ra vẫn ở mức ổn định, thậm chí một số mặt hàng gạo cao cấp còn được khuyến mãi, giảm giá.

Đại lý cung ứng gạo trên thị trường và các doanh nghiệp tại chuỗi bán lẻ ký kết hợp đồng với nông dân về vùng trồng lúa nên những sản phẩm gạo đều không tăng giá tại các siêu thị.Đại lý cung ứng gạo trên thị trường và các doanh nghiệp tại chuỗi bán lẻ ký kết hợp đồng với nông dân về vùng trồng lúa nên những sản phẩm gạo đều không tăng giá tại các siêu thị.

Giá các loại gạo ST được bán trong chuỗi cửa hàng, siêu thị và xuất khẩu từ 350.000 – 450.000 đồng/yến, tùy theo loại gạo và vùng trồng. Gạo séng cù có giá từ 350.000 – 380.000 đồng/yến, cũng tùy theo giống hạt dài, hay tròn và tùy theo vùng trồng.

Chẳng hạn, tại siêu thị Winmart, gạo Ngọc Nương duy trì mức giá bình ổn trong 03 tháng 10, 11 và 12 cuối năm nay: gạo ST25 Truyền Thống (Túi 3kg) giá từ 105k chỉ còn 79,9k giảm 24%, gạo ST25 Đặc Sản (Túi 3kg) giá từ 117k chỉ còn 89,9k giảm 23%.

Ngày 15/10, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo Việt Nam loại 5% tấm đang ở mức 623 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với ngày 12/10 và tăng 10 USD/tấn so với ngày 02/10; giá gạo 25% tấm cũng tăng 5 USD/tấn, lên mức 608 USD/tấn.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng cách biệt so với gạo Thái Lan khi cao hơn 42 USD/tấn, loại 5% tấm và cao hơn 75 USD/tấn đối với loại gạo 25% tấm.

Các chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset dự báo, giá gạo bình quân cả năm 2023 dự báo ở mức 553 USD/tấn, tăng gần 14% cùng kỳ. Đây là mức giá bán bình quân cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Phước Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang vừa cho biết, đã chốt được đơn hàng  xuất khẩu 16.667 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá bán 674 USD/tấn. Trung An Kiên Giang là công ty con của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, mã cổ phiếu TAR - sàn HNX). 

Đến năm 2022, Gạo Trung An tiếp tục trung 4 gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trường này với tổng khối lượng đạt hơn 68.000 tấn, chiếm 68,5% hạn ngạch nhập khẩu gạo hàng năm được Hàn Quốc phân bổ cho Việt nam.

Thị trường Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm của Gạo Trung An, chiếm tới 52,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty trong năm 2022. Doanh thu xuất khẩu gạo hiến đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của Gạo Trung An.

Gạo Trung An hiện được xem là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo phẩm cấp cao (gạo sạch, gạo hữu cơ…) hàng đầu tại Việt Nam nhờ lợi thế sở hữu vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao lớn, ổn định, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP và Organic, cùng với chuỗi sản xuất, chế biến gạo theo hướng chuyên sâu.

Ông Nguyễn Phước Nam thông tin: Ngoài thị trường Hàn Quốc, Gạo Trung An cũng đang xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu, Australia, Hoa Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Trong đó, thị trường Đức đang chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của công ty.

Mới đây, Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi, tuyên bố xác nhận trước báo giới Indonesia, Việt Nam và Thái Lan sẽ là 2 nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây của nước này.

"Việc Indonesia chọn Việt Nam là nguồn cung chính cho các đợt thu mua lúa gạo đã khẳng định thêm vị thế, uy tín chất lượng của hạt gạo Việt Nam. Nguồn cung gạo Việt Nam luôn là nguồn cung uy tín, giành được sự tin tưởng của Chính phủ và người tiêu dùng Indonesia trong bối cảnh Indonesia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về sản lượng lương thực sản xuất trong nước do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino", Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhận định.

Hiện tượng El Nino đã khiến cho sản lượng gạo sản xuất trong nước của Indonesia sụt giảm, giá gạo tại thị trường tăng mạnh buộc nước này phải nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay.

Cùng chung xu hướng tăng, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ mức 585 USD/tấn của tuần trước lên khoảng 580 - 600 USD/tấn. Một thương nhân ở Bangkok cho biết giá gạo tăng vì giá trong nước tăng và đồng Baht mạnh lên. Thương nhân này cho hay lúa đã được thu hoạch hết, trong khi nhu cầu đang gia tăng từ Châu Phi và Châu Á.

Minh An

Cùng chuyên mục