Vận tải hành khách, hàng hóa đang khốn đốn vì dịch bệnh COVID-19 nay càng thêm điêu đứng khi giá xăng dầu tăng mạnh. Xăng dầu tăng khiến cho các chi phí đầu vào tăng như vậy buộc các nhà sản xuất phải tăng giá sản phẩm, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.
Từ 16 giờ ngày 26/10, giá bán lẻ các loại xăng dầu trong nước được phép điều chỉnh lên giá bán mới với mức tăng hơn 1.400 đồng/lít (với xăng) và hơn 1.000 đồng/lít (với dầu). Xăng RON95 vượt mốc 24.300 đồng/lít, lên mức cao nhất trong vòng 7 năm. Từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng đã qua 13 lần tăng và 4 lần giảm.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, chi phí xăng dầu đã tăng 50% (riêng từ đầu năm 2021 đến nay là khoảng 30%). Ngày 27/10, hãng xe của ông bắt đầu chạy lại tuyến Hải Phòng- Hà Nội và ngược lại sau nhiều tháng đắp chiếu. Trước việc giá xăng tăng cao kỷ lục, ông Hải không khỏi lo lắng, vì chi phí này chiếm tới 40-50% giá cước vận tải, và doanh nghiệp đang phải bù lỗ vì lượng khách rất ít.
Từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng đã qua 13 lần tăng và 4 lần giảm
“4 tháng nay, chúng tôi đắp chiếu hàng trăm xe vận tải hành khách. Hiện, nhu cầu đi lại của người dân chưa cao, các hãng xe đều cạnh tranh để có khách nên việc tăng giá vé vào thời điểm này là không thể. Doanh nghiệp bù lỗ mỗi chuyến xe nhưng kéo dài sẽ không trụ được. Do dịch bệnh COVID-19 nên hãng xe không thể tính phương án điều chỉnh giá vé mà nếu không điều chỉnh, doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng tôi xem xét tăng giá vé vào thời điểm thích hợp chứ chưa thể tăng ngay”, ông Hải nói.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX vận tải Thăng Long, cũng nhìn nhận các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe “trùm mền” thời gian dài vì dịch COVID-19, giờ thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng dầu chiếm tới 40%-45% chi phí hoạt động.
“Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng” - ông Liên nêu thực tế.
Nhưng không chỉ các đơn vị kinh doanh vận tải mà các DN sản xuất cũng đau đầu trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao. Đại diện một công ty thực phẩm cho hay thời gian gần đây giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, có loại tăng đến 40%, nay đến lượt xăng dầu tăng cao nên chẳng khác nào “cú đánh bồi”.
Đáng lo là khi đầu vào tăng gây áp lực buộc các nhà sản xuất phải tăng giá sản phẩm, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Vì vậy, nhiều DN đề nghị cần phải ổn định giá xăng dầu để phục hồi kinh tế.
Trước việc xăng dầu tăng giá ở mức kỉ lục vừa qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội) cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác. Do đó, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng, dầu không tăng lên quá cao là cần thiết.
Xăng dầu tăng giá buộc các nhà sản xuất phải tăng giá sản phẩm, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu
Đại biểu cũng nêu cụ thể, để điều chỉnh giá xăng, dầu phải sử dụng công cụ thuế. Trong bối cảnh giá tăng thì cần phải điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường cũng tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá xăng, dầu trong nước tăng một phần là do tác động của giá dầu thế giới. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, chi phí của quá trình vận chuyển đã bị đội lên. Mặt khác, các chi phí liên quan như chi phí kho bãi, kiểm soát… cộng vào làm cho giá xăng, dầu trong nước đội cao hơn. “Chúng ta phải xem lại những khoản gì làm cho giá xăng dầu đội lên như thuế nhập khẩu, các khoản phí về kiểm soát. Những khoản đó chúng ta có thể phải rà soát lại và phải cắt giảm để có thể ổn định được giá xăng dầu"- đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho hay từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, khoảng 35%-40%. Tuy nhiên, để hạn chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu. Vì vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng 30%-35%, thấp hơn mức tăng chung của thế giới.
Nhưng vì đã sử dụng quỹ nhiều để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên dư địa hiện giờ không còn nhiều. Đến nay, đã có 14 đầu mối bị âm quỹ, trong đó có hai tập đoàn xăng dầu lớn là Petrolimex và PVOIL có số quỹ âm lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Trong bối cảnh trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp để góp phần bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ phục hồi sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng. “Bộ Công Thương đã đề xuất và lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo. Điều quan trọng bây giờ là Bộ Tài chính cân đối nguồn thu để xem xét việc giảm thuế” - ông Đông nói.
Ông Bùi Danh Liên chia sẻ thêm rằng, giá xăng dầu tăng do giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, ông đề nghị cần xã hội hóa kinh doanh xăng dầu trong nước, không nên “độc quyền” vài đầu mối kinh doanh ngành hàng này. Từ đó tạo được môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, phát triển lành mạnh và bền vững.
Thiên Trường