Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thì vo với thương mại truyền thống, thương mại điện tử là kênh có các hình thức giả mạo, vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ nhiều hơn đáng kể.
Bên cạnh những tác động đối với người tiêu dùng, hàng nhái, hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh khoảng 30-35%. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Còn Google, Temasek và Bain & Company dự báo, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia.
Năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á.
Trong dự báo của mình, Google, Temasek và Bain & Co, cho rằng chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "Á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD…
Hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT ảnh hưởng xấu đến nguồn thu thuế
Tại đối thoại chuyên đề “chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử” do Tạp chí kinh tế Việt Nam/ VnEconomy tổ chức, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, lưu ý: Hàng nhái, hàng giả triệt tiêu khát vọng sáng tạo của doanh nghiệp Việt.
So với thương mại truyền thống, thương mại điện tử là kênh có các hình thức giả mạo, vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ nhiều hơn đáng kể. Bên cạnh những tác động đối với người tiêu dùng, hàng nhái, hàng giả trên các nền tảng thương mại điện tử cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp.
“Đối mặt với môi trường như vậy, doanh nghiệp đối mặt câu hỏi là 'nên tiến, nên dừng hay là thôi'? Hàng giả, hàng nhái, hàng lậu chắc chắn làm thui chột mong muốn kinh doanh, sáng tạo và làm ăn lành mạnh của doanh nghiệp”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh nhận định.
Thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Dự báo trong 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Thực tế các sàn thương mại điện tử cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Vì vậy các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa đưa lên sàn có nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do hàng giả, hàng nhái sản phẩm chính hãng có giá rẻ hơn nhiều lần. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, một số doanh nghiệp e ngại không muốn phối hợp làm rõ việc sản phẩm bị làm giả.
“Thực tế là họ tránh truyền thông, ví dụ rượu Vodka Hà Nội bán chạy nhưng sau bị làm giả nhiều. Ban đầu doanh nghiệp phối hợp rất tốt với cơ quan chức năng nhưng khi truyền thông đưa tin nhiều thì hàng không bán được nữa vì người tiêu dùng sợ hàng bị làm giả. Như vậy truyền thông cũng có hai mặt”, ông Sinh nói.
Người đứng đầu Hiệp hội về chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cho biết thêm, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng ủng hộ và định hướng trong việc làm sáng tỏ việc này để đảm bảo quyền lợi cho họ, để việc kinh doanh được thuận lợi.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho rằng các hình hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên kênh TMĐT.
Điểm đặc biệt của TMĐT là giúp quá trình mua sắm của người dân trở nên dễ dàng hơn. Bên bán và bên mua hầu như không cần tiếp xúc trực tiếp, không phụ thuộc khoảng cách địa lý và các phương thức thanh toán cũng đơn giản và thuận tiện hơn.
Lợi dụng điều này, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng tăng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua sắm truyền thống của người dân bị hạn chế.
Nhìn chung, phương thức gian lận phổ biến nhất là buôn bán những sản phẩm không giống như quảng cáo. Đơn cử, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, video sản phẩm chính hãng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa sau khi đến tay người tiêu dùng lại khác biệt về mẫu mã, chất lượng hoặc tình trạng.
Thiên Trường