Bổ sung quy định nhãn hàng hóa nhằm chống gian lận xuất xứ

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, kiểm tra, xử lý. Do đó, việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm chống gian lận thương mại.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Dự thảo nghị định này đã bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh gồm cả hàng hóa xuất khẩu. Nội dung quy định cụ thể đối với nhãn hàng hóa xuất khẩu được giới hạn ở phạm vi ghi xuất xứ hàng hóa để phòng chống gian lận thương mại, các nội dung khác ghi theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, kiểm tra, xử lý. Thực tế đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để gian lận về xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường có nguy cơ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, làm ảnh hưởng tới các ngành hàng trong nước. Do đó, theo KH&CN, việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm chống gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích quốc gia. 

Ngoài ra, Dự thảo nghị định cũng quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa. Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt, gồm: tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.
Bộ KH&CN cho rằng, quy định này vừa đảm bảo chống gian lận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhất là tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, vừa tránh gây rào cản thương mại cho doanh nghiệp. Việc thể hiện xuất xứ hàng hóa đối với hàng xuất khẩu trong quy định mang tính tự nguyện. Nếu thể hiện thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến xác định xuất xứ hàng hóa.

Thiên Trường

Cùng chuyên mục