Cảnh báo seal niêm phong iPhone 13 giả bán với giá... 20.000 đồng

Mới đây, hãng công nghệ Apple vừa trình làng các mẫu iPhone thế hệ thứ 13 với hộp đựng sử dụng lớp niêm phong (seal) bảo vệ mới dạng giấy thay cho màng nhựa mỏng trước đây để bảo vệ môi trường và “chống làm giả.” Tuy nhiên, hiện tại trên thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện lớp "seal giả" được rao bán với giá 20.000 đồng/chiếc.

iPhone 13 là mẫu iPhone đầu tiên được Apple dùng loại seal giấy ở phần hộp máy thay vì dạng nilon như các phiên bản trước đó. Khoảng 1 tuần sau khi iPhone 13 ra mắt, seal giả của máy đã được chào bán trên trang thương mại điện tử AliExpress với giá 30 USD cho 100 bộ seal. Đồng nghĩa, mỗi bộ seal chỉ có giá 0.3 USD, tương đương khoảng 7.000 đồng.

Hiện tại, seal giả của iPhone 13 đã xuất hiện và được bán tràn lan tại Việt Nam. Một người dùng ở Hà Nội cho biết đã mua được seal giả của iPhone 13 với giá 20.000 đồng/seal. Tuy nhiên, điều kiện là phải mua kèm 100 seal.

Theo tìm hiểu, những chiếc seal giả trên được mua tại ở một số chợ điện tử của Trung Quốc với giá chỉ từ 7.000 đồng/chiếc. Nếu khách hàng mua với lô trên 100 chiếc sẽ có giá rẻ hơn.

Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cũng chia sẻ một video về cách dán seal mới cho hộp iPhone 13 Pro Max, với các thao tác thực hiện khá đơn giản.

Theo đó, những chiếc seal này được làm tỉ mỉ y hệt những chiếc seal gốc của hãng điện thoại “táo cắn dở.” Người thực hiện chỉ cần dùng hai miếng seal giấy nhái có sẵn, trong đó thao tác đầu là dán một miếng seal vào bên trong nắp hộp iPhone 13, sau đó đóng hộp lại và dán miếng seal còn lại vào nửa hộp phía dưới. Công đoạn này hoàn tất trong khoảng 1 phút. 

Mẫu seal cho iPhone 13 được bán trên mạng và đã có mặt tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)Mẫu seal cho iPhone 13 được bán trên mạng và đã có mặt tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ về vấn đề trên, đại diện hệ thống điện thoại CellphoneS cho biết seal iPhone bán tràn lan ngoài thị trường không có gì bất ngờ và đã diễn ra từ lâu, trước đó với các mẫu iPhone sử dụng vỏ nilon để bọc hộp máy và nay là loại seal giấy có in chữ và màu sắc riêng. Tuy nhiên, cũng rất khó để nhận biết bằng mắt thường vì seal giả giống thật tới 90%.

“Với những công đoạn đơn giản, đây là cách mà các thương lái sử dụng để 'phù phép' các sản phẩm iPhone cũ/ đã khui hộp thành hình thức nguyên seal như mới. Điều này sẽ khiến người dùng dễ dàng bị đánh lừa và mua phải những sản phẩm iPhone cũ hoặc giả mạo,” vị đại diện CellphoneS cho biết.

Theo chia sẻ từ các hệ thống bán lẻ, để tránh “tiền mất tật mang”, khi mua một chiếc iPhone được quảng cáo là "mới nguyên seal", người dùng nên bóc seal trực tiếp tại chỗ trước sự quan sát của nhân viên cửa hàng (thay vì mang về nhà rồi mới bóc seal).

Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra một số chi tiết như ngoại hình, tình trạng kích hoạt, thời gian bảo hành, số lần sạc để đảm bảo mình nhận được máy đúng theo yêu cầu. Trong trường hợp người dùng mua máy qua mạng, việc quay video quá trình mở hộp là hết sức cần thiết.

Và cuối cùng, người dùng nên tìm mua máy tại các hệ thống uy tin, tránh xa các lời rao bán máy nguyên seal mới giá rẻ bất thường hoặc các cửa tiệm nhỏ không đảm bảo chất lượng.

 Thiên Trường

Bài liên quan

Cùng chuyên mục