Huyện Yên Thế (Bắc Giang): Tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển chăn nuôi

Hơn 10 năm trước, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã được biết đến với phong trào chăn nuôi gà đồi và trồng rừng kinh tế. Tiềm năng đất đai, lao động được đánh thức bằng những mô hình chăn nuôi gà hàng nghìn con/lứa...

Có thể khẳng định, sự năng động của người dân và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà qua các giai đoạn 2008 - 2011, 2013 - 2015, 2016 - 2020… đã tạo “cú hích” mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất và chăn nuôi. 

Đàn gà của huyện tăng mạnh và luôn đứng đầu tỉnh, nhiều thời điểm lên tới 4,5 triệu con. Nuôi gà - trở thành nghề mang lại nhiều việc làm, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trong huyện.

Gà đồi Yên Thế, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu năm 2011, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ sống (gà lông) cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố, mà còn được đưa vào sơ chế, chế biến.

Tuy nhiên, nuôi gà không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. 

Do quy mô sản xuất lớn nên sử dụng lượng thức ăn không nhỏ. Đã không ít lần, giá cám tăng cao, trong khi giá gà thấp khiến nhiều hộ dân thua lỗ. Bên cạnh đó, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, cũng là những thách thức không nhỏ.

Trước thực tế đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, định hướng cho các hộ dân tái đàn hợp lý; mở rộng vùng chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, từng bước đa dạng các loài vật nuôi nhằm khai thác lợi thế về điều kiện đất đai, nguồn thức ăn sẵn có, nhất là kinh nghiệm chăn nuôi.

Con dê đã được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện lựa chọn đưa vào nuôi. Khuyến khích các hộ nuôi dê, UBND huyện ban hành Đề án phát triển đàn dê thương phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế giai đoạn 2019 – 2020. Nhờ đó, đàn dê trên địa bàn huyện tăng nhanh, năm 2021, đạt 9,5 nghìn con, tập trung ở các xã Hồng Kỳ, Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Tân Sỏi... Ở xã Hồng Kỳ, chính quyền đã hỗ trợ và vận động thành lập mới HTX nuôi dê. Nhiều xã cũng thành lập tổ hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Mô hình chăn nuôi dê của một gia đình ở bản Đồng Gia, xã Xuân LươngMô hình chăn nuôi dê của một gia đình ở bản Đồng Gia, xã Xuân Lương

Trên địa bàn huyện, còn hình thành nghề nuôi hươu tại các xã Đồng Hưu, Đông Sơn, Xuân Lương, Hương Vĩ... với tổng đàn hiện nay hơn 550 con. Sản phẩm nhung hươu của Yên Thế đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Đàn ong, đàn lợn và gia súc lớn cũng từng bước phát triển. Năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi không thuận lợi đã hạn chế việc tái đàn nhưng sản lượng thịt hơi các loại của huyện vẫn đạt 37 nghìn tấn, trong đó gà 20 nghìn tấn.

Phát huy kết quả đó, huyện Yên Thế xác định tiếp tục phát triển chăn nuôi, duy trì đàn gà 3,8 - 4 triệu con/lứa (11 - 12 triệu con/năm); đàn dê 10 - 12 nghìn con; hươu 500 - 600 con; hơn 10 nghìn đàn ong; đàn trâu, bò 10 – 12 nghìn con... 

UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất hàng hóa, phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nhân rộng các mô hình chăn nuôi tiên tiến.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi cũng được huyện tập trung triển khai thực hiện. 

Mới đây, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn năm 2022. Theo đó, huyện tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi gà, dê, bò thương phẩm và sinh sản. Riêng đối với gà và dê còn hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ chăn nuôi lớn tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ...

Hương Thủy

Bài liên quan

Cùng chuyên mục