TP. Đông Hà (Quảng Trị): Sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP

Có thể thấy, kết quả tích cực của việc thực hiện Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm") trên địa bàn TP. Đông Hà thời gian qua là nhờ thành phố xác định đây là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng, chủ lực của cộng đồng trong xây dựng ngành nghề vùng ven đô thị.

Từ năm 2020, TP. Đông Hà bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm"). Cùng với nguồn ngân sách 300 triệu đồng của tỉnh bố trí, vốn huy động từ chủ thể, người dân là 1 tỉ đồng, thành phố đã phân bổ 96 triệu đồng để thực hiện chương trình.\

Trong năm đầu tiên thực hiện, TP. Đông Hà có 7 sản phẩm đề nghị công nhận 3 sao, 1 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa với sự tham gia của 4 đơn vị, vượt mục tiêu kế hoạch của thành phố. Tuy nhiên, vẫn chưa có sản phẩm đạt 4 -5 sao và chưa phát triển được sản phẩm làng du lịch sinh thái.

Khâu đóng gói sản phẩm tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Sundo - Ảnh: T.TKhâu đóng gói sản phẩm tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Sundo  (Ảnh: T.T)

 

Năm 2021, TP. Đông Hà có 10 sản phẩm đề nghị công nhận 3 sao, 1 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa với sự tham gia của 4 đơn vị, vượt mục tiêu kế hoạch của thành phố. Kết quả, có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao.

Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình, để nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm, ngoài các giải pháp nâng cao năng lực cho chủ thể, thành phố đã chủ động bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng, hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc…

Các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhận thấy được những lợi ích khi tham gia thực hiện Chương trình OCOP nên tích cực phối hợp. Đồng thời, luôn nỗ lực để phát triển các sản phẩm theo yêu cầu của bộ tiêu chí.

Nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, được hỗ trợ để phát triển sản phẩm và kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ làm cho các tổ chức kinh tế có thêm động lực phấn đấu để hoàn thiện sản phẩm cũng như tham gia chương trình ngày càng nhiều.

Từ đó, triển khai chương trình một cách khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, kế hoạch chuyên biệt, cụ thể, bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.

Theo kế hoạch, năm 2022 TP. Đông Hà đặt mục tiêu hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 40 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương.

Phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt 4 sao, 35 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Củng cố hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp, có tối thiểu 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Để hoàn thành mục tiêu này, TP. Đông Hà tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các chủ thể thực hiện chương trình. Xây dựng từ 1 - 2 dự án phát triển chuỗi giá trị gắn với chương trình OCOP để tạo mô hình điểm của thành phố.

Thực hiện tốt công tác khảo sát, đánh giá thực trạng sản phẩm tham gia theo bộ tiêu chí để xây dựng kế hoạch đào tạo, tư vấn tại chỗ cho chủ thể hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ, các buổi giới thiệu sản phẩm trong nước và khu vực.

Xây dựng kế hoạch và triển khai hỗ trợ các tổ chức kinh tế ứng dụng khoa học và công nghệ đối với sản phẩm OCOP...

Th. Hương

Bài liên quan

Cùng chuyên mục