Ba thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua các sàn thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương vừa đưa ra cảnh báo về một số thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua các sàn thương mại điện tử.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua, do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tình trạng các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang diễn ra phổ biến. Việc này tác động và ảnh hưởng xấu đến lòng tin của người tiêu dùng đối với hoạt động thương mại điện tử.

Người dân có xu hướng mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.Người dân có xu hướng mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: H.A)

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra cảnh báo về 3 thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua các sàn thương mại điện tử.

Thủ đoạn thứ nhất, kẻ gian lập tài khoản “Người bán” với thông tin trên sàn TMĐT giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.

Sau đó, các đối tượng đăng bán sản phẩm có mức giá rẻ hơn niêm yết từ 3 - 4 lần, cùng những dòng mô tả như “giảm giá sốc”, “thanh lý xả kho”. Những mặt hàng này đều có giá trị cao và dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử, điện thoại…

Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Kẻ gian sử dụng các phương thức liên lạc như zalo, facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến không thông qua sàn TMĐT với mức giá thấp hơn giá đang niêm yết.

Sau khi bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện trong đó có các vật phẩm không giá trị.

Thủ đoạn thứ 2 tinh vi hơn, các đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển logistics đến địa chỉ người mua. Khi đó, đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị.

Người mua hàng đã thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng hoặc lầm tưởng đây là sản phẩm mình đặt mua trên sàn nên vẫn thanh toán tiền bình thường khi nhận hàng.

Do việc giao dịch của khách hàng ngoài phạm vi của các sàn nên người dùng không được đảm bảo quyền lợi đổi trả, hoàn tiền sản phẩm vì hệ thống các sàn TMĐT không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay xác định người dùng bị thiệt hại.

Mạo danh nhân viên sàn thương mại điện tử

Thủ đoạn 3, các đối tượng tự nhận là nhân viên của các sàn TMĐT hỗ trợ về việc đổi trả về đơn hàng mà khách đã đặt trên các sàn TMĐT trước đó. Lợi dụng nhu cầu phát sinh đổi trả từ người dân, các đối tượng sẽ hứa thu hồi và hoàn tiền/đền tiền gấp 3 lần.

Sau đó, các đối tượng dụ dỗ khách hàng bấm vào link lừa đảo, yêu cầu bị hại cung cấp thông tin cá nhân như: số điện thoại, định danh, chi tiết thông tin thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng (bao gồm cả mật khẩu) để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

Tiếp đó, các đối tượng gửi tin nhắn/cuộc gọi với nội dung “Bạn được nhận một phần quà vì bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng của chương trình nào đó” hoặc “Bạn là khách hàng thân thiết”… Lúc này, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại phải trả thêm phí vận chuyển hoặc phí hỗ trợ.

Thậm chí, các đối tượng này sẽ gửi tin nhắn đến bị hại hoặc đăng tin tuyển dụng trên các trang thông tin trôi nổi bằng cách giả mạo là nhân viên/nhân sự cấp cao của các sàn và tuyển dụng cộng tác viên không chính thống, với các nội dung như tuyển số lượng nhân viên chuyên đặt hàng hoặc mỗi ngày bạn có thể dễ dàng kiếm tiền bằng điện thoại di động.

Nội dung tin nhắn yêu cầu bị hại kết bạn trên ứng dụng thông tin khác nhằm trục lợi thông tin cá nhân cũng như với những mục đính không tốt khác.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, để tránh bị kẻ gian lợi dụng, chiếm đoạt tài sản, khách hàng nên thận trọng và kiểm tra kỹ các thông tin khi mua hàng trên sàn TMĐT.

H.A

Cùng chuyên mục