Bắc Giang: Nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển du lịch xanh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; kết nối quảng bá, kích cầu du lịch.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Vi Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Du tịch tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tới dự có đại diện gần 30 khu, điểm du lịch, hợp tác xã, công ty lữ hành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trong tỉnh.

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.

Thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch chủ lực trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được triển khai tích cực. Trên địa bàn tỉnh hình thành và khai thác có hiệu quả 4 không gian du lịch trọng tâm như: Không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Nam, Lục Ngạn và chè bản Ven, huyện Yên Thế; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf (thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Lục Nam); du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm (thành phố Bắc Giang và thị xã Việt Yên).

Đến nay, toàn tỉnh có 19 khu, điểm du lịch được công nhận; 37 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch được cấp phép hoạt động; hơn 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Từ 2021-2024, có khoảng 6,3 triệu lượt khách du lịch đến Bắc Giang; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 2,5 nghìn lao động.

Tại hội nghị, đại diện các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành đã trao đổi về công tác xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực; quảng bá, xúc tiến du lịch; chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh; kết nối giữa các khu, điểm du lịch... Một số ý kiến cho rằng, các khu, điểm, du lịch, cơ sở lưu trú đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách, phương thức, sản phẩm để phát triển du lịch xanh. Do đó đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các tiêu chí cụ thể về du lịch xanh để các đơn vị có căn cứ thực hiện.

Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, các sản phẩm du lịch, các loại hình dịch vụ liên quan tại tỉnh chưa đồng bộ, chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng; chưa có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu; hoạt động hợp tác trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng các tour kết nối các khu, điểm du lịch còn hạn chế.

Đại diện Trung tâm Văn hóa - Xúc tiến du lịch Bắc Giang và điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế) ký biên bản hợp tác.
Đại diện Trung tâm Văn hóa - Xúc tiến du lịch Bắc Giang và điểm du lịch cộng đồng bản Ven (Yên Thế) ký biên bản hợp tác.

Qua đó đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục định hướng để hoạt động du lịch thêm hiệu quả; đồng thời tạo hành lang pháp lý, ưu đãi trong thu hút đầu tư, chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hiệp hội Du lịch tỉnh tiếp tục phát huy vai trò đồng hành, kết nối doanh nghiệp với đơn vị nhà nước trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch.

Phát biểu tại đây, ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết, thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng nâng cao nhận thức về chuyển đổi du lịch xanh; tập trung xây dựng các sản phẩm mới, chất lượng, đặc trưng của tỉnh. Bắc Giang thực hiện tốt việc liên kết, kết nối giữa các khu, điểm du lịch trong công tác quảng bá, xúc tiến. Sở tiếp tục tham mưu tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch chi tiết 1/500 các điểm du lịch cộng đồng; tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Tại hội nghị, các đơn vị ký biên bản ghi nhớ phối hợp nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch, tạo hình ảnh du lịch Bắc Giang thân thiện, mến khách; cam kết hợp tác cung cấp dịch vụ du lịch.

Bá Đoàn

Cùng chuyên mục