Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng tốt, được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Giai đoạn 2018 - 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến kích các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân tích cực tham gia Chương trình OCOP nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn (thứ 2 từ trái qua) thăm quan các sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 3 Kết luận, UBND tỉnh phê duyệt các Đề án, Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và 2022 - 2025. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND về quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù cho quá trình quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... tạo tiền đề cho sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng và số lượng sản phẩm.
Tính đến tháng 11/2022, toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố. Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm lưu niệm và trang trí. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng.
Các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh đạt 3 sao và 4 sao.
Chương trình OCOP đã bước đầu khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia Chương trình. Sản phẩm OCOP đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Cụ thể, nem 99 Kinh Bắc của Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm Nem 99 Kinh Bắc được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, đến nay, công ty đã phát triển lên 35 đại lý, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ; bao bì, nhãn mác đơn giản, sản phẩm hàng hóa chưa phong phú, không có nhiều đặc tính vùng miền, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nhất là các mô hình thăm quan, trải nghiệm các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng vùng, miền…
Để kịp thời tham mưu cho tỉnh tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, vừa qua, Đoàn công tác Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hòa Bình. Đây là những địa phương đã phát huy hiệu quả các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, gắn với Chương trình OCOP, phát huy giá trị văn hóa, du lịch cộng đồng của mỗi vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, HTX, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Bá Đoàn