Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương thay vì chia tỷ lệ 70% nộp ngân sách Trung ương, 30% phân bổ ngân sách địa phương như phương án cũ.
Ngày 21/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế xã hội cho thấy, nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, “biển số đẹp” và sẵn sàng trả giá cao. Vì thế, việc đấu giá biển số đẹp vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng vừa là tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, dù đã có chủ trương từ năm 1993, song việc đấu giá biển số chưa triển khai được do vướng mắc về pháp lý. Lần này, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị quyết với một số quy định riêng để áp dụng cho việc thí điểm đấu giá biển số ô tô trong thời gian 3 năm. Đây là những quy định khác với luật hiện hành.
Về biển số đưa ra đấu giá, Bộ Công an đề nghị chọn một loại là biển số ô tô phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen). Đây phải là những biển chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.
Đại tướng Tô Lâm cho biết, quyền của người trúng đấu giá là được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với ô tô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe.
Với người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe sẽ không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Về mức khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá, Bộ trưởng Công an cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá. Cụ thể, mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TPHCM. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng.
“Việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là rất phức tạp do biển số là tài sản công đặc thù, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ ‘đẹp’ theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định” - Bộ trưởng Công an nói.
Bộ trưởng Công an giải thích, giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó.
“Thị trường sẽ quyết định giá trị của biển số qua các cuộc đấu giá và giá trị thật của biển số là giá trúng đấu giá chứ không căn cứ vào giá khởi điểm”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Dự thảo lần này cũng quy định mức tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá.
Đề cập đến việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Dự thảo đã sửa theo hướng “số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương”, thay vì phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương như trước.
Duy Khánh