Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng này là các cơ sở y tế công lập áp dụng thanh toán chi phí xét nghiệm theo phương thức thực thanh thực chi nên mức giá khác nhau. Giá xét nghiệm gồm chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công cộng chi phí xét nghiệm xét nghiệm từ 1/7.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp 2 Quốc hội khóa XV, trong đó có vấn đề "loạn" giá xét nghiệm Covid-19.
Đề cập đến việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, một trong những vấn đề gây bức xúc thời gian qua, Bộ trưởng Y tế khẳng định nhiều giải pháp đã được thực hiện.
Bên cạnh giải pháp nhằm tăng nguồn cung trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp để quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm như hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp cung ứng công khai giá trang thiết bị y tế.
“Hiện trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế đã có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán”, ông Long thông tin.
Ông Long cũng cho biết, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn gộp mẫu nhằm đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, cũng như tiết kiệm chi phí. Thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn về giá dịch vụ xét nghiệm để kịp thời điều chỉnh khi giá sinh phẩm xét nghiệm có hiều biến động.
Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải sự khác biệt về giá xét nghiệm Covid-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số lượng xét nghiệm được cấp phép tăng nhanh, từ 41 bộ test (8 sản xuất trong nước, 33 nhập khẩu) vào tháng 6 lên đến 131 test (14 sản xuất trong nước, 117 nhập khẩu) vào tháng 10.
Đối với xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2, số lượng cấp tăng nhanh từ 8 test (1 sản xuất trong nước, 7 nhập khẩu) tháng 6 lên 60 test (3 sản xuất trong nước, 57 nhập khẩu) tháng 10.
“Cùng với sự gia tăng của các loại sinh phẩm xét nghiệm trên thị trường Việt Nam, giá xét nghiệm trung bình do các công ty công bố cũng đã giảm nhiều. Tuy nhiên, giá xét nghiệm vẫn còn nhiều mức”, Bộ trưởng Y tế nêu.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông, là các cơ sở y tế công lập áp dụng thanh toán chi phí xét nghiệm theo phương thức thực thanh thực chi nên mức giá khác nhau. Giá xét nghiệm gồm chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công cộng chi phí xét nghiệm xét nghiệm từ 1/7.
Trong đó, chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công sẽ được thanh toán theo cùng một mức; giá chi phí xét nghiệm được thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sinh phẩm.
Đối với cơ sở y tế tư nhân, theo quy định hiện hành, được quyết định giá dịch vụ xét nghiệm nhưng phải kê khai, công khai giá.
Để đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm và quản lý giá trang thiết bị, giá xét nghiệm trong thời gian tới, ông Long cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.
Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu minh bạch toàn bộ quá trình cấp phép lưu hành theo hướng Bộ chỉ là cơ quan xem xét về hành chính và việc đánh giá chất lượng sẽ được thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn.
Nghị định này cũng được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa giấy tờ trong quá trình cấp phép, thay đổi cơ bản cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Trên cơ sở quy định của pháp luật về giá, Bộ Y tế đề nghị bổ sung biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, gồm: Đưa trang thiết bị y tế vào mặt hàng phải kê khai giá; quy định cụ thể nội dung kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.
Bên cạnh giải pháp đã nêu, Bộ Y tế đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế, tập trung quản lý, đánh giá chất lượng sau bán hàng.
Hoài Thu