Buôn lậu bánh trung thu: Thủ đoạn tinh vi, chiêu thức linh hoạt

Trên thị trường hiện nay, nắm bắt được nhu cầu của người dân tăng cao trong các dịp Lễ, Tết, đặc biệt khi mùa Trung Thu đang đến gần, bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã nhập lậu một lượng lớn bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Nhận diện các thủ đoạn buôn lậu

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí còn xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn trên tất cả các tuyến.

Một trong những vấn nạn đó là vận chuyển hàng lậu bằng xe luồng xanh.

Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thì việc cấp giấy nhận diện phương tiện (mã QR Code) ưu tiên theo “luồng xanh” tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số lái xe đã lợi dụng chính sách này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Mới đây, tại chốt kiểm soát dịch bệnh số 20, tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai, thuộc địa bàn xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, lực lượng chức năng phát hiện xe tải biển kiểm soát 71C-077.76 do lái xe Trần Kim Biên (SN 1984, ở Ấp 5, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) điều khiển có thẻ nhận diện “luồng xanh” chở gần 1.000 thùng carton chứa bánh trung thu do nước ngoài sản xuất; mỗi thùng chứa 8 hộp bánh, tổng cộng hơn 200.000 chiếc.

Lái xe chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trên các sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt đối với sản phẩm do nước ngoài sản xuất. Lái xe Trân Kim Biên khai nhận được thuê vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai đi TP.HCM để tiêu thụ. Tuy nhiên, khi qua địa phận Hà Nội thì bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.

Đặc biệt, các đối tượng đã lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất (nhập nguyên liệu nhưng thực chất là nhập thành phẩm để tái xuất) để gian lận; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; cấu kết, móc nối với nhau trong nước và nước ngoài để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.

Một số hành vi lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử để không khai, khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng… để vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Các nhóm đối tương vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp bằng các loại phương tiện khác nhau như đường biển, đường hàng không, qua đường chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính hay thành lập công ty để buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hiện nay, trên cả nước, nhiều địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, các đối tượng buôn lậu lợi dụng các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để buôn bán kinh doanh các sản phẩm hàng hóa nhập lậu.Mới đây nhất, qua sàng lọc, theo dõi, tìm kho chứa của trang Facebook có tên https://www.facebook.com/khobuongiasigialai, trưa ngày 14/9, tại Gia Lai, Đội QLTT số 2, Cục QLTT Gia Lai đã tiến hành khám kho chứa hàng của ông Nguyễn Xuyến Thắng Thiện ở địa chỉ tại địa chỉ số nhà 02/01 đường Đinh Công Tráng, Phường Thống Nhất, thành phố Pleiku phát hiện 110 thùng sản phẩm thực phẩm bánh trung thu với số lượng 6.000 chiếc trên nhãn ghi chữ nước ngoài.

Chủ lô hàng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Toàn bộ số bánh đang chuẩn bị đóng gói để chuyển đến các khách hàng đã chốt đơn trên trang Facebook trước đó. Qua làm việc, chủ lô hàng thừa nhận nhập số bánh trôi nổi trên thị trường để chứa tại kho và sử dụng mạng xã hội để bán kiếm lời.

Hàng vạn bánh trung thu Trung Quốc tuồn về, bán trôi nổi trên mạngHàng vạn bánh trung thu Trung Quốc tuồn về, bán trôi nổi trên mạng

Như vậy, chỉ tính từ ngày 7/9-14/9, lực lượng QLTT trên cả nước đã ngăn chặn gần 30.000 bánh trung thu các loại do nước ngoài sản xuất không được chủ cơ sở, đơn vị kinh doanh chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Có những sản phẩm thời điểm kiểm tra đã bị chảy nước, móp méo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Siết chặt kiểm soát để bảo vệ người tiêu dùng dịp Tết Trung thu 

Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục QLTT đã ban hành Công văn số 1799/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2021.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trong dịp Tết Trung thu năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Song song đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như: bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi... Đồng thời, lực lượng QLTT cả nước cũng chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.

Đặc biệt, Tổng cục QLTT cũng yêu cầu và đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa cần có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Song song với đó, Cục QLTT các địa phương cần tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên thị trường…

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng lậu không có giấy tờ kiểm định của hải quan...

Theo Cục QLTT Hà Nội, để kiểm tra, kiểm soát mặt hàng lương thực, thực phẩm trong dịp tết Trung thu 2021, Cục QLTT Hà Nội yêu cầu các Đội QLTT chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh Trung thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...). chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Ngọc Linh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục