Cải thiện dòng tiền và chi phí cho doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực DN là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên, ông cũng lo ngại việc nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh TúPhó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Nợ xấu lĩnh vực bất động sản tăng

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS); chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…

Theo bà Giang, hiện nay, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng và ngược lại.

Cụ thể, hiện tín dụng BĐS tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.

“Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án BĐS đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư 6 thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án BĐS gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn”, bà Giang nhận định.

Hơn nữa, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang còn nhấn mạnh đến những lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước, khi tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47% trên tổng dư nợ tín dụng BĐS.

Trên thực tế, nguy cơ nợ xấu bất động sản “phình to” đã được cảnh báo từ năm ngoái khi giai đoạn 2023 - 2024 là điểm rơi đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu DN. Nhiều chủ đầu tư cũng đang tích cực đàm phán, cơ cấu lại thời gian trả nợ. Trong khi đó, thị trường bất động sản “tắc” thanh khoản khiến cho việc thanh lý, phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay cũng gặp nhiều áp lực hơn.

Theo dữ liệu mới đây của WiGroup, tính đến cuối quý II, dư nợ tín dụng bất động sản tại một số ngân hàng đạt 411.659 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 23% so với cùng quý). Đây là mức dư nợ cao nhất trong 5 năm trở lại và tăng trưởng tín dụng tại lĩnh vực này cũng cao hơn so với các lĩnh vực khác.

Nhóm phân tích của WiGroup dự báo, áp lực nợ xấu của ngân hàng trong hai quý cuối năm vẫn sẽ tăng cao do bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã mỏng đi trong quý này, đạt mức 102,8% và thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản.

Lo ngại "cục máu đông” nợ xấu quay trở lại

Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, số lượng DN vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đã giảm hơn 1.000 đơn vị. Có những DN hoạt động nhờ 90%-100% vốn vay ngân hàng và tỷ lệ vay vốn cao như vậy trong điều kiện hiện nay thì rõ ràng là rất khó khăn. 

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng cũng đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tính đến hết tháng 7/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.

Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.

Sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7Sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch Covid-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác. Cứ 10 năm thì lại rơi vào tình trạng khó khăn. Người ta hay nói phải chăng đó là quy luật. Vậy khó khăn sẽ kéo dài đến bao giờ? Thực tế hiện nay trên thế giới, chưa thấy nước nào tuyên bố hết khó khăn.

“Thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp. Phía NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, có các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho các DN.

Hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng bày tỏ lo ngại, nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại”, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nói.

Cũng theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế. Do đó, Phó Thống đốc cho rằng, các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ DN cùng nhau vượt qua.

“Các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng. Thực tế, các ngân hàng không thể lỗ, nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. Ngân hàng rất khác với DN. Ngân hàng chỉ lãi ít lãi nhiều, chứ không thể lỗ. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy”, ông Tú cho hay.

Khơi thông những điểm nghẽn

Cũng tại hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, các đại biểu tham dự cho rằng hiện nay vẫn có những “điểm nghẽn” trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, hiện vẫn còn một số hạn chế tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. DN khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa.

“Đơn cử như liên quan đến vấn đề chậm hoàn thuế VAT, DN xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho DN”, TS. Nguyễn Minh Thảo dẫn chứng.

Thực tế cho thấy, năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự “lệch pha” của cả phía ngân hàng lẫn các DN. Cụ thể, ở phía ngân hàng, nhiều ngân hàng cẩn trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng khi những lo ngại về nợ xấu, thậm chí mất vốn đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất thuận.

Trong khi đó, nhiều DN cũng cho hay không đủ điều kiện vay vì nợ xấu, do bối cảnh kinh tế khó khăn lẫn phức tạp nên DN không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh… Do đó, để giải quyết được bài toán vĩ mô này cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) nêu quan điểm, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn.

“Tuy nhiên, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa,” ông Thế Anh lưu ý.

Bên cạnh đó, theo ông Thế Anh, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải đồng thời kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc. Đồng thời, nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân, cùng với đó là giảm VAT hàng thiết yếu nội địa.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin, định hướng của NHNN những tháng cuối năm là sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, DN, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. 

 Hải Minh 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục