Mới đây Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng SCB.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện hạn mức tín dụng năm 2024, điều hành linh hoạt, kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên quyết chống tiêu cực trong cung ứng tín dụng.
Chính phủ cũng yêu cầu nhà điều hành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua, bán vàng, ngoại tệ và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ yêu cầu NHNN sớm hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém, báo cáo phương án xử lý SCB.
Bên cạnh đó, NHNN được giao chỉ đạo các tổ chức tín dụng, cơ quan liên quan bảo đảm vận hành hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, khách du lịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Qua đó có giải pháp hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm an ninh, kỷ luật thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra vào sáng 8/1, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong năm 2024, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).
Theo Thống đốc, trong năm 2023, dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 vẫn còn, cộng hưởng với tác động đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, xu hướng tín dụng tăng chậm lại trên khắp toàn cầu... là những yếu tố tác động không thuận tới thanh khoản, tâm lý, kỳ vọng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cơ bản hoạt động ổn định, huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được tích cực triển khai. Việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ, nhưng đến nay, về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết trong thời gian tới.
Thanh Cao