Chuyển đổi số ở Bắc Ninh: Bắt đầu từ Công dân số

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chuyển đổi số phải bắt đầu từ công dân số, phải xây dựng lớp công dân số mới nhằm bảo đảm hiệu quả của chuyển đổi số bền vững. Từ công dân số sẽ có xã hội số, từ xã hội số mới có nhu cầu số, từ nhu cầu số mới có thị trường số, doanh nghiệp số và kinh tế số…”.

Công khai thông tin để dân giám sát

Chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, kiến nghị của chị Nguyễn Thị Hương (ở phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) về vấn đề bảo đảm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đã được chính quyền địa phương rốt ráo vào cuộc xử lý.

Chị Hương chia sẻ: “Trước đây chưa có ‘Phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động’, mỗi lần có vấn đề bất cập cần phản ánh, tôi cũng như nhiều người dân phải lên UBND phường hoặc qua nhiều cơ quan, bộ phận để trình bày, rất mất thời gian, dẫn đến ngại trình bày kiến nghị. Nay với ‘Phần mềm’ rất tiện lợi này, mỗi người dân chúng tôi có thể dễ dàng phản ánh chỉ với một chiếc điện thoại thông minh”.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin - Truyền thông khai trương phần mềm phản án kiến nghị trên thiết bị di động.Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin - Truyền thông khai trương phần mềm phản án kiến nghị trên thiết bị di động.

Phường Đại Phúc có 11 khu phố, với hơn 14 nghìn nhân khẩu, thường xuyên dao động khoảng 8 nghìn người lao động từ các địa phương khác đến tạm trú (trong đó có hơn một nghìn người nước ngoài) và hàng trăm cơ sở kinh doanh… Do đó, công tác điều hành, quản lý luôn được Đảng ủy, UBND phường chú trọng.

Đánh giá về “Phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động” trong thời gian qua, ông Vũ Hoàng - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Phúc - khẳng định: “Phần mềm này hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương nhanh chóng nắm bắt và xử lý các trường hợp vi phạm, sự cố xảy ra trên địa bàn một cách đồng bộ và liên thông; qua đó góp phần tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân, xây dựng chính quyền phục vụ. Từ khi có Phần mềm đến nay, toàn phường nhận được hơn 300 lượt phản ánh và tỷ lệ xử lý đạt khá cao, hơn 95% (còn một số vụ việc chưa giải quyết, xử lý do liên quan đến hệ thống phần mềm, không thuộc thẩm quyền)”.

Trao đổi với PV Tạp chí Thương hiệu và Công luận, ông Nguyễn Minh Vũ - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh - cho biết, được triển khai thí điểm tại địa bàn thành phố Bắc Ninh từ năm 2019, sau đó nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh, thời gian qua, “Phần mềm phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động” của tỉnh Bắc Ninh đã góp phần tích cực, hiệu quả, tạo kênh thông tin, phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân ở cơ sở, đồng thời giúp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc giải quyết vấn đề ngay từ khi mới phát sinh.

Hiện nay, Phần mềm tiếp nhận thông tin từ hơn 30 lĩnh vực được phản ánh từ chính quyền cấp xã đến cấp tỉnh. Đặc biệt, tất cả dữ liệu được công khai để các ngành, các cấp và nhân dân giám sát. Từ ngày 1/1/2022, khi Phần mềm được triển khai nhân rộng toàn tỉnh, đến 31/1/2023, hệ Phần mềm này đã tiếp nhận 1.118 phản ánh kiến nghị, trong đó đã xử lý 1.606 kiến nghị (đạt tỷ lệ 88,34%).

“Trong thời gian tới, Sở thông tin và Truyền thông tỉnh sẽ nghiên cứu phương án triển khai thí điểm sử dụng ứng dụng phản ánh, kiến nghị trong việc tiếp nhận các phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với việc cải cách thủ tục hành chính, lựa chọn thí điểm 3 tháng tại một số sở có nhiều giao dịch với người dân và doanh nghiệp” - ông Vũ thông tin.

Động lực thúc đẩy chuyển đổi số

Gắn chuyển đổi số với công tác cải cách hành chính được tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ. UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Nổi bật, các cơ quan chuyên môn rà soát 100% thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý, đồng thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Kết quả, từ năm 2018 đến năm 2022, có gần 600 thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian thực hiện thuộc các ngành, lĩnh vực như: y tế, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ… Thời gian cắt giảm ít nhất là 0,5 ngày và nhiều nhất là 10 ngày. Gần 200 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ”; 100% thủ tục hành chính được phê duyệt kết quả thông qua ký số…

Ông Tô Thành Công - Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Quế Võ - chia sẻ: “Với phương châm ‘lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả’, thời gian qua, Trung tâm tích cực tham mưu với chính quyền cùng cấp chỉ đạo triển khai đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước. Ứng dụng tiếp nhận, phản hồi phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính giúp tăng cường tính liên thông, bảo đảm các thủ tục được giải quyết nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch”.

Theo bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương cần nhận thức rõ cải cách hành chính là mục tiêu ưu tiên, trọng tâm để cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục cải cách công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, triển khai số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo thực chất, tập trung thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Một cửa cấp xã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và cơ chế “5 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Thời gian qua, chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh; góp phần tạo chuyển biến tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, nâng cao chỉ số xếp hạng năng lực quản trị, điều hành cấp tỉnh. Cụ thể, năm 2021, chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bắc Ninh đứng thứ 4/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 7/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 7/63.

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục