Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các hiệp hội, ngành hàng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023; phương hướng công tác phối hợp trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị
Tại Hội nghị ngày 21/11, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Đỗ Hồng Trung đã báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với các hiệp hội, ngành hàng năm 2023.
Theo đó, trong năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp trong hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử. Hàng hóa được đưa vào tiêu thụ trong nội địa bằng nhiều hình thức, thông qua các tuyến đường, phương thức thủ đoạn tinh vi, khó lường. Hàng hóa dán nhãn không đúng quy định vẫn còn diễn ra phổ biến; một số nhãn hàng của doanh nghiệp trong nước cũng bị làm giả ngay trong nội địa, hoặc làm giả từ nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Hoạt động thương mại vi phạm, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế đất nước, môi trường làm ăn chân chính của các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong quý III/2023, các lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ, xử lý 40.000 vụ việc vi phạm, trong đó, xử lý 833 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 37.776 vụ gia lận thương mại, gian lận về thuế, 1.433 vụ vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thu nộp ngân sách 3.053 tỷ đồng. Khởi tố 175 vụ, với 197 đối tượng.
Năm 2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng và các lực lượng chức năng thực thi, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới đất liền, đường biển, đường hàng không và trong nội địa, qua đó đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu tại hội nghị, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Lê Thanh Hải cho biết: Năm 2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng chặt chẽ; thường xuyên trao đổi thông tin để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác, đảm bảo sát, đúng mục đích, yêu cầu đặt ra đối với từng công việc, mục tiêu cụ thể, hài hoà lợi ích của Nhà nước và các hiệp hội, thành viên hiệp hội theo đúng quy định.
Trong quá trình phối hợp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên cập nhật phổ biến, tuyên truyền đến các hiệp hội, ngành hàng về các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, để hiệp hội phổ biến, tuyên truyền đến thành viên của hiệp hội, nhằm chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao...
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh phát biểu.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh nhấn mạnh:
Trong thời gian qua, Hiệp hội VATAP luôn xác định việc phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội và sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong lĩnh vực này, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo đó, thời gian qua, Hiệp hội VATAP đã chủ động triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Hai bên đã trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan bằng các hình thức: gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, gửi văn bản, tham dự các sự kiện, hội thảo, tọa đàm… về các vấn đề liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đạt kết quả khả quan.
Cụ thể, nhân dịp kỷ niệm ngày “Phòng chống hàng giả, hàng nhái” – 29/11 và kỷ niệm “Ngày thương hiệu Việt Nam” – 20/4 hằng năm, Hiệp hội VATAP đều định kỳ tổ chức Lễ kỷ niệm, nhằm mục đích tuyên truyền, quảng bá nội dung, ý nghĩa của công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái; khích lệ, biểu dương các doanh nhân, doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng.
Tại các chương trình này, Hiệp hội VATAP đều mời đại diện lãnh đạo và thành viên Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham gia, phát biểu ý kiến chỉ đạo; thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của các doanh nghiệp, đối với công tác chống hàng giả và xây dựng, bảo vệ thương hiệu; qua đó tăng cường sức mạnh đoàn kết cùng chung tay với các nhà quản lý và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với các chương trình, sự kiện do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức và mời Hiệp hội VATAP tham dự, Hiệp hội đều có các bài tham luận, với những ý kiến tham mưu, kiến nghị, đề xuất thiết thực, sát với hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội.
Đối với công tác tuyên truyền về các hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia luôn được Hiệp hội VATAP chú trọng, triển khai thực hiện, góp phần định hướng tốt dư luận về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Tại hội nghị, lãnh đạo các hiệp hội, ngành hàng đã phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các hiệp hội, ngành hàng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh, để công tác phối hợp giữa hai cơ quan đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định một số nội dung công tác trọng tâm:
Tiếp tục triển khai phổ biến đến hiệp hội, thành viên hiệp hội các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các chương trình kế hoạch công tác của Văn phòng thường trực có liên quan đến hiệp hội, ngành hàng.
Tiến hành rà soát thời hạn của các quy chế, chương trình phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng; thực hiện ra hạn, ký mới quy chế, chương trình phối hợp, để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan; dự kiến giai đoạn thực hiện phối hợp theo bối cảnh tình hình thực tế từ năm 2024 - 2026.
Chủ động nắm tình hình, nhận diện hiện tượng, vấn đề nổi cộm, phức tạp, dự báo diễn biến tình hình về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời, cung cấp thông tin về tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vụ việc vi phạm nghiêm trọng đối với lĩnh vực ngành hàng cụ thể.
Chủ trì xây dựng kế hoạch chuyên đề, phối hợp các hiệp hội tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo nhóm ngành hàng kế hoạch đặt ra.
Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị các hiệp hội, ngành hàng đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền đến hội viên hiệp hội chính sách pháp luật, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các chương trình, kế hoạch công tác của Văn phòng thường trực;
Thường xuyên giữ mối liên hệ với Văn phòng thường trực, nhằm tăng cường việc trao đổi thông tin hai chiều kịp thời, để phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng thường trực tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch công tác liên quan đến ngành nghề hiệp hội quản lý;
Các hiệp hội tích cực thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo đài Trung ương, tạp chí, trang điện tử ngành quản lý về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các vụ việc vi phạm có tính chất nổi cộm, phức tạp;
Làm tốt công tác dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với lĩnh vực ngành hàng mà hiệp hội phụ trách; tích cực chia sẻ thông tin, kịp thời thông báo bằng văn bản đến Văn phòng thường trực, các cơ quan chức năng những điểm nóng, nổi cộm, cũng như các thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại hội nghị, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam thực hiện ký kết quy chế phối hợp.
Nguyễn Kiên