Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu

Bộ Tư pháp đang kiến nghị tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ dầu hỏa) đồng thời áp dụng mức thuế ưu đãi với xăng sinh học.

Mới đây, trên cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, bộ này đã công bố tài liệu họp Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó đề cập việc nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Trong dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị sửa đổi khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo hướng: Mức thuế tối thiểu giữ bằng mức thuế tối thiểu hiện hành, điều chỉnh tăng mức thuế tối đa để tạo dư địa điều chỉnh chính sách khi cần thiết theo yêu cầu quản lý Nhà nước. Mức tăng chi tiết chưa được Bộ Tài chính đề cập.

Đối với dầu hỏa, Bộ Tư pháp đề nghị giữ khung thuế bảo vệ môi trường như hiện hành, vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, đề nghị đổi đơn vị tính đối với dầu mazut từ “lít” thành “kg” cho phù hợp với thực tế.

"Theo các nghiên cứu cho thấy, xăng, dầu, mỡ nhờn là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, gây hại đến an toàn sức khỏe và môi trường sống như chì, lưu huỳnh, benzene... So với nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung", Bộ Tài chính đánh giá.

Dẫn số liệu, Bộ này cho biết tỷ lệ thuế trong giá xăng, dầu khoảng 31% đối với xăng, 18,7% đối với dầu. Trong khi đó, tỷ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 40-55% đối với xăng và 35-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).

"Như vậy, mức thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đang được quy định bằng mức tối đa hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế. Do đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các hàng hóa này", Bộ Tài chính đánh giá.

Việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo Bộ Tài chính sẽ góp phần đảm bảo thuận lợi trong công tác điều hành nhằm chủ động ứng phó khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, phù hợp với xu hướng điều chỉnh tăng thuế đối với các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của các nước để thực hiện cam kết quốc tế về giảm mức phát thải ròng.

Bên cạnh đó, để khuyến khích hơn nữa việc sản xuất, nhập khẩu xăng sinh học (sản phẩm ít gây ô nhiễm hơn so với xăng gốc hóa thạch), cơ quan quản lý kiến nghị áp dụng mức thuế ưu đãi cho mặt hàng này.

Hiện nay, mặt hàng xăng sinh học phổ biến trên thị trường trong nước là xăng E5 RON 92 có hàm lượng etanol khoảng 5% và xăng gốc hóa thạch (xăng không chì) chiếm 95%.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định mức thuế bảo vệ môi trường ưu đãi để đảm bảo số thuế thu phải nộp đối với xăng sinh học phải thấp hơn so với số thuế thu phải nộp theo cách tính hiện hành.

Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục